Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến cuối tháng 5/2013, dư nợ cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt khoảng 585 nghìn tỉ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2012.
Ảnh minh họa: Internet
Đặc biệt, riêng về cho vay mua tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2012-2013 theo Quyết định 331 (ngày 7/2/2013) của Thủ tướng Chính phủ, tính hết ngày 31/3, tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng thương mại dành cho chương trình là 9.454 tỉ đồng.
Doanh số cho vay mua tạm trữ thóc, gạo đạt 7.612 tỉ đồng, tương đương với khối lượng thu mua tạm trữ là 951.630 tấn quy gạo (đạt 95% kế hoạch). Đến hết tháng 3, dư nợ các khoản vay mua tạm trữ thóc, gạo là 7.571 tỉ đồng.
Trong cuộc họp ngày 8/6 về tình hình sản xuất, tiêu thụ nông-lâm-thủy sản tại Văn phòng Chính phủ, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho rằng đối với lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo trong thời gian tới, cần có chính sách hỗ trợ 100% tiền giống lúa có năng suất, chất lượng cao, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu cho nông dân.
Biện pháp này vừa đảm bảo hỗ trợ trực tiếp cho nông dân, vừa định hướng sản xuất nông sản chất lượng cao, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ông Tiến cũng nhận định, riêng đối với việc tạm trữ thóc, gạo, cần từng bước hướng tới tạm trữ thóc thay vì tạm trữ cả gạo, cả thóc như hiện nay. Do thời gian tạm trữ thóc được lâu hơn so với tạm trữ gạo và để đảm bảo doanh nghiệp sẽ chủ yếu mua trực tiếp từ nông dân chứ không thu mua qua thương lái như hiện nay nữa.
Bộ NNPTNT, Bộ Công Thương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần kiểm tra, sàng lọc các thương nhân không đủ điều kiện về kho chứa, gạo tạm trữ, năng lực tài chính... thì sẽ không được phân giao chỉ tiêu để thu mua theo chương trình này.
Theo chinhphu.vn