Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù tốc độ tăng trưởng của chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng Năm và năm tháng của năm 2013 đều thấp hơn so với cùng kỳ 2012 nhưng qua các tháng, chỉ số này đang cho thấy xu hướng tăng dần và được cải thiện khá rõ nét.
Ảnh minh họa. - Nguồn: TTXVN
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm tháng qua đã tăng 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 2,7%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,5%, sản xuất và phân phối điện tăng 8,9%, cung cấp nước, xử lý nước thải, rác thải tăng 9,6%.
Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng cao gồm: sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tăng 15,3%, sản xuất da tăng 14,7%, giấy và các sản phẩm từ giấy tăng 12,7%, đồ uống tăng 11,8%, hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 11,5%, khai thác, xử lý và cung cấp nước tăng 10,3%.
Cùng có xu hướng cải thiện này, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến thời điểm 1/5 cũng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước; trong đó các ngành có chỉ số tiêu thụ tăng từ 10-23% gồm: sản xuất thiết bị điện, sản xuất da, sản xuất đồ uống, sản xuất xe có động cơ, sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 10,6%...
Với việc tiêu thụ được cải thiện, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm ngày 1/5 đã tăng 12,3% so với cùng kỳ năm ngoái và thể hiện xu hướng giảm dần qua các tháng. Một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp gồm: Dệt, sản xuất da, chế biến thực phẩm. Một số ngành có chỉ số tồn kho giảm gồm: Sản xuất giấy và sản phẩm từ giấy, sản xuất xe có động cơ.
Tuy nhiên, một số ngành vẫn có chỉ số tồn kho tăng cao gồm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và quang học tăng 46,8%; đồ uống tăng gần 33%; giường, tủ, bàn ghế tăng 32%; sản xuất kim loại, thiết bị điện tăng trên 26%; hóa chất và sản phẩm hóa chất tăng 25%...
Để thúc đẩy sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, Bộ Công Thương và các bộ ngành liên quan cần tập trung rà soát kế hoạch sản xuất từng mặt hàng, tập trung đẩy nhanh sản xuất những sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt, có giá trị gia tăng cao; tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp vay vốn với lãi suất hợp lý để sản xuất và xuất khẩu. Các cơ quan quản lý cần rà soát lập danh mục các mặt hàng trong nước đã sản xuất được có chất lượng tốt để thúc đẩy tiêu thụ, giảm nhập khẩu.
Về phía doanh nghiệp cần tiếp tục thực hiện tiết giảm chi phí, đẩy mạnh áp dụng sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm và nâng cao chất lượng hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh nhằm thúc đẩy tiêu thụ nội địa và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về xuất khẩu.
Theo TTXVN