Thứ Ba, 26/11/2024 09:22 SA
Giải pháp thoát nghèo cho dân tái định cư thủy điện
Thứ Bảy, 11/05/2013 09:15 SA

Bộ NN-PTNT đã đề xuất, kiến nghị với Quốc hội và Chính phủ nhiều giải pháp để đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người dân vùng tái định cư các công trình thủy điện. Những đề xuất này được nêu trong báo cáo về kết quả, tồn tại và bất cập trong thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi xây dựng các dự án thủy điện.

 

Báo cáo trên do ông Hoàng Văn Thắng, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT ký, vừa gởi đến Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường và Ban Dân nguyện của Quốc hội. Báo cáo này được tổng hợp trên cơ sở báo cáo của UBND 12 tỉnh: Phú Yên, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Trị , Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và Tập đoàn Điện lực Việt Nam về 21 thủy điện lớn nhỏ trên địa bàn các tỉnh này.

 

ThongNhat2130511.jpg

Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên đi khảo sát một ngôi nhà của thế hệ thứ hai ở vùng tái định cư thủy điện Sông Ba Hạ - Ảnh: K.NGUYÊN

THU NHẬP CHỈ 7 TRIỆU ĐỒNG/NGƯỜI/NĂM

 

Để thực hiện 21 thủy điện trên, các tỉnh đã phải di dời hơn 75.000 hộ với hơn 324.600 người đến các khu tái định cư. Tuy nhiên, thực trạng đời sống của người dân tái định cư các công trình thủy điện hiện gặp nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân đầu người của người dân khu vực này rất thấp, chỉ 7,1 triệu đồng/người/năm, chưa bằng 30% thu nhập bình quân đầu người của cả nước trong năm 2012 (30,8 triệu đồng). Rất nhiều vùng tái định cư thủy điện, bà con thu nhập cực thấp, như các thủy điện Cửa Đạt (Thanh Hóa) và An Khê - KaNak (Gia Lai) chỉ 4,2 triệu đồng/người/năm; Sông Tranh 2 (Quảng Nam): 4,5 triệu đồng/người/năm, Đồng Nai 3 (Lâm Đồng): 5,5 triệu đồng/người/năm… Dân vùng tái định cư có thu nhập cao nhất là ở thủy điện Krông H’năng (Đắk Lắk, Phú Yên) cũng chỉ đạt mức 10 triệu đồng/người/năm.

 

Theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là việc thu hồi đất, cấp đất sản xuất cho dân ở các vùng tái định cư thủy điện còn chậm, ảnh hưởng rất lớn đến khả năng phục hồi sinh kế của người dân. Một số dự án chưa đáp ứng đủ đất sản xuất cho các hộ tái định cư theo quy hoạch, bồi thường bằng đất ít hơn so với diện tích họ có nơi ở cũ khiến dân thiếu đất canh tác. Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ sản xuất cho dân tái định cư vùng thủy điện hiện nay rất thấp, ngay cả dự án trọng điểm quốc gia là thủy điện Sơn La mức hỗ trợ này chỉ 19 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ để khôi phục thu nhập, ổn định đời sống của người dân, nhất là giải quyết việc làm, chỉ có trong vòng 1 đến 2 năm đầu tái định cư, chưa đảm bảo đời sống người dân trong giai đoạn chuyển tiếp; việc chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề cho dân tái định cư vùng thủy điện chậm, thiếu sự quan tâm đúng mức…

 

THỦY ĐIỆN PHẢI CÓ QUỸ TÁI ĐỊNH CƯ

 

Từ thực trạng đời sống khó khăn của người dân vùng tái định cư các thủy điện nêu trên, Bộ NN-PTNT kiến nghị Quốc hội xem xét thành lập quỹ hỗ trợ sau tái định cư (quỹ tái định cư) để hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất cho dân vùng tái định cư. Quỹ này được trích từ một khoản tiền nhất định từ thu nhập giá bán điện của nhà máy thủy điện có di dân, tái định cư và được tính vào giá thành bán điện, nhằm gắn trách nhiệm của chủ đầu tư, người dân tái định cư với vùng tái định cư nhà máy thủy điện. Bên cạnh đó, Quốc hội cũng xem xét cho phép trích một phần thuế của các thủy điện có di dân, tái định cư khi đã đi vào sản xuất để địa phương hỗ trợ xây dựng vùng tái định cư, bảo vệ môi trường sinh thái…

 

Bộ NN-PTNT cũng kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách hiện hành về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án thủy điện cho phù hợp với điều kiện thực tế và thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Chính phủ cần giao cho bộ, ngành có chức năng xây dựng một số mô hình ổn định đời sống và phát triển sản xuất bền vững cho người dân tái định cư trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của từng vùng tái định cư các thủy điện nhằm làm cơ sở cho việc xây dựng chính sách sau tái định cư. Đồng thời, cần xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tiếp tục hỗ trợ đầu tư ổn định đời sống và phát triển sản xuất bền vững cho người dân sau tái định cư các dự án thủy điện rên phạm vi cả nước…

 

KHƯƠNG NGUYÊN

 

Hộ nghèo ở các khu tái định cư thủy điện: 36,6%

Tỉ lệ hộ nghèo ở các vùng tái định cư thủy điện rất cao, trung bình là 36,6% (tỉ lệ này cả nước năm 2012 khoảng 10%). Trong đó, vùng tái định cư thủy điện Tà Cọ (Sơn La) đạt “kỷ lục” khi 100% hộ dân đều thuộc diện hộ nghèo; tiếp đó là các vùng tái định cư của thủy điện Bản Vẽ (Nghệ An): 89,6% hộ nghèo, Đồng Nai 3: 60,28%, Khe Bố (Nghệ An): 60%, Hòa Bình: 43%...

 

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek