Thứ Sáu, 04/10/2024 14:38 CH
Tiến sĩ Trần Du Lịch:
Năm 2013 có nhiều triển vọng phục hồi tăng trưởng kinh tế
Thứ Ba, 07/05/2013 14:00 CH

Nền kinh tế nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Chính phủ và các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung đã có những giải pháp gì để vực dậy nền kinh tế, tạo niềm tin cho thị trường. Xung quanh vấn đề này, Báo Phú Yên phỏng vấn tiến sĩ Trần Du Lịch, ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Trưởng nhóm Tư vấn liên kết phát triển vùng Duyên hải miền Trung.

 

tdl.jpg

Tiến sĩ Trần Du Lịch - Ảnh: P.NAM

* Năm 2012, Việt Nam bắt đầu tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế, đến nay, việc tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả gì? Hiện “sức khỏe” của nền kinh tế như thế nào, thưa tiến sĩ?

 

- Định hướng tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế được đề ra tại Nghị quyết của Đảng lần thứ XI (đầu năm 2011) và cụ thể hóa tại Nghị quyết Trung ương 3 (giữa năm 2011) và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII (tháng 11/2011). Tuy nhiên, do quá trình chuẩn bị nên đến ngày 19/2/2013, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 339, phê duyệt “Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyền đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh giai đoạn 2013-2020”, nên về tổng thể vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mới đang trong giai đoạn khởi đầu. Riêng ba lĩnh vực cá biệt về đầu tư công; hệ thống tổ chức tín dụng và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì từ cuối năm 2011 và trong năm 2012, Chính phủ đã triển khai thực hiện từng đề án riêng rẽ theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khóa XI), với kết quả bước đầu là góp phần ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2012, tạo điều kiện để thực hiện tiếp theo lộ trình đến năm 2015.

 

Về tình hình kinh tế hiện nay, có thể nói năm 2013 có nhiều triển vọng phục hồi tăng trưởng và kinh tế vĩ mô ổn định hơn. Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đã xác định mục tiêu kinh tế tổng quát của năm 2013 là “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, với tốc độ tăng GDP khoảng 5,5% và kiểm soát CPI dưới 8% (Chính phủ đề ra khoảng 6%). Để thực hiện các mục tiêu trên, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực để tạo niềm tin cho thị trường thông qua gói giải pháp hỗ trợ thị trường nhằm giải quyết hàng tồn kho; xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Ba vấn đề này có quan hệ nhân quả với nhau, nên không thể giải quyết riêng rẽ.

 

Ngoài ra, đầu năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02, tập trung vào khâu xử lý “điểm nghẽn” của tín dụng và tăng sức mua của thị trường, trong đó quan tâm đặc biệt đến tồn kho sản phẩm bất động sản. Trong giải pháp tín dụng, Chính phủ áp dụng biện pháp đặc thù nhằm cho vay mới các doanh nghiệp có điều kiện tồn tại và phát triển; các doanh nghiệp đang thực hiện các dự án nhà ở đang có đầu ra, dự án BOT, BT trong lĩnh vực hạ tầng, đang ngưng trệ do thiếu vốn; ngăn chặn xu hướng tăng số doanh nghiệp phải ngưng hoạt động, giải thể do thiếu vốn lưu động; mở rộng tín dụng tiêu dùng; giảm lãi suất huy động tiền gửi và lãi suất cho vay; áp dụng nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, trong đó có việc thành lập định chế mua bán nợ của Nhà nước. Trong chính sách tài khóa, Chính phủ tiếp tục thực hiện biện pháp giãn thời hạn nộp thuế, thời hạn nộp tiền sử dụng đất, miễn giảm thuế theo tinh thần Nghị quyết 13 của Chính phủ và Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 về hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cho đến giữa năm 2014 để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng; đồng thời trình Quốc hội một số chính sách về giảm miễn thuế.

 

Dù yếu ớt và vẫn ở trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng (so với công suất đã đầu tư), nhưng năm 2013 nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục, nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đã đề ra trong hai nghị quyết của Chính phủ nêu trên, tạo niềm tin cho thị trường. Các khó khăn như sức mua giảm; hàng tồn kho, nợ xấu tăng; lãi suất cao; doanh nhiệp thiếu vốn.. sẽ được cải thiện hơn so với năm 2012. Nhưng đây cũng là thời kỳ mở ra cơ hội cho những doanh nghiệp biết nắm bắt cơ hội để tái cơ cấu và phát triển bền vững. Dù quý 1/2013 kinh tế tuy tăng trưởng chậm (GDP tăng 4,89%), nhưng dự báo cả năm sẽ tăng khoảng 5,5% và CPI ở mức từ 6 đến 7% là tiền đề quan trọng để có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2014.

 

von.jpg

Theo tiến sĩ Trần Du Lịch, lãi suất cho vay của các ngân hàng từ 10 đến 11% là có thể chấp nhận được. Trong ảnh: Khách hàng vay vốn tại DongA Bank Phú Yên - Ảnh: Q.THUẦN

* Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2013-2020, trong đó chú trọng tái cơ cấu lĩnh vực đầu tư công, tài chính - ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước. Ở cấp độ địa phương, đề án chưa đặt ra những vấn đề cụ thể, nhưng với tư cách là Trưởng nhóm Tư vấn phát triển vùng Duyên hải miền Trung (trong đó có Phú Yên), tiến sĩ có thể đưa ra ý kiến xung quanh vấn đề này đối với các tỉnh, thành phố trong khu vực?

 

- Trong bối cảnh như đã nêu ở trên, năm 2013 bên cạnh những thách thức vẫn có cơ hội để tái cơ cấu kinh tế, lành mạnh hóa thị trường hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn. Thứ nhất, các chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay nhằm lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Trong suốt 5 năm (2008-2012) chúng ta phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Với hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua Nghị quyết 01 và Nghị quyết 02 - là những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu ba lĩnh vực: đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước. Trong quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ có tác động làm tăng tổng thể tái cơ cấu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới. Thứ hai, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh; thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy, sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái họa đều có cái phúc cho những ai biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm như hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy; chứ không chỉ có họa. Thứ ba, với lạm phát kỳ vọng ở mức từ 6 đến 7% và tỉ giá VND/USD ổn định ở biên độ từ 2 đến 3% trong năm 2013 sẽ tạo điều kiện quan trọng cho doanh nghiệp xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình. Thứ tư, chắc chắn trong năm 2013 và 2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực, thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

 

Đối với kinh tế địa phương, trong đó có vùng Duyên hải miền Trung, tôi cho rằng trước hết phải nắm vững những nội dung trong đề án tổng thể tái cơ cấu mà Thủ tướng vừa phê duyệt để rà soát điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phù hợp với định hướng tái cơ cấu kinh tế của cả nước. Với tư duy liên kết phát triển vùng, mà các địa phương trong vùng Duyên hải miền Trung đã cam kết từ khi hình thành Ban điều phối Vùng (ngày 15/7/2011), các tỉnh, thành Duyên hải miền Trung cần điều chỉnh việc phân bố lực lượng sản xuất theo quy mô vùng, nhằm phát huy lợi thế của từng địa phương, nhưng cũng tránh việc phân tán, kém hiệu quả trong đầu tư và phân bố nguồn lực. Với Phú Yên, tôi nghĩ rằng trong 10 đến 15 năm tới vẫn nên tập trung vào hai thế mạnh: kinh tế biển và tiềm năng phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao. Đối với kinh tế biển, ngoài thế mạnh về ngư nghiệp, nên chọn các ngành công nghiệp gắn với lợi thế cảng biển Vũng Rô để thu hút đầu tư. Tuy nhiên, từ thực tiễn của nước ta nói chung và vùng Duyên hải miền Trung nói riêng trong các năm qua cho thấy, địa phương nào có được nền hành chính thực sự mang tính phục vụ, thì ở đó có sức hấp dẫn đầu tư.

 

* Theo nghị quyết của Chính phủ vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành giảm lãi suất, để tín dụng nhanh chóng đi vào nền kinh tế. Với tư cách là thành viên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, theo tiến sĩ, lãi suất giảm ở mức nào là hợp lý, có thể làm “trụ đỡ” để đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn?

 

- Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần nhìn nhận ba mâu thuẫn đang đặt ra đối với vấn đề tín dụng. Thứ nhất, chúng ta vừa phải chống lạm phát, nhưng vừa phải giảm lãi suất (thông thường phải ngược lại). Thứ hai, ngân hàng thương mại đang thừa tiền, nhưng nền kinh tế thiếu vốn (nói đúng hơn là không hấp thụ được vốn). Thứ ba, những doanh nghiệp càng cần nguồn tín dụng, nhưng cũng chính là những doanh nghiệp thuộc diện “nợ xấu” của ngân hàng thương mại.

 

Để xử lý những mâu thuẫn trên, không chỉ đơn thuần sử dụng chính sách lãi suất, mà phải có những biện pháp tổng hợp như Nghị quyết 02 của Chính phủ đã đề ra. Trong kinh tế thị trường, lãi suất là kết quả cung - cầu của thị trường tiền tệ. Lãi suất ở Việt Nam hiện nay rất cao (đã trừ yếu tố lạm phát) là kết quả của một thị trường tiền tệ bị méo mó, sự hoạt động kém hiệu quả của doanh nghiệp (bao gồm cả ngân hàng thương mại) và bất cập trong quản lý nhà nước về thị trường tài chính và thị trường bất động sản… nên dẫn đến nợ xấu trở thành “cục máu đông” đang nghẽn cả “hệ tuần hoàn”. Do đó, việc giảm lãi suất tuỳ thuộc rất nhiều vào tiến trình xử lý nợ xấu. Trong điều kiện như vậy, tôi cho rằng trong năm 2013 lãi suất cho vay ở mức phổ biến từ 10 đến 11% và lãi suất huy động ở mức 7% là có thể chấp nhận được.

 

* Thống kê cho thấy, tăng trưởng tín dụng quý 1/2013 của cả nước ở mức thấp, trong khi nhiều doanh nghiệp lại đang “đói” vốn, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ. Theo tiến sĩ, giải pháp nào để hóa giải nút thắt tín dụng, giúp doanh nghiệp giải được cơn “đói” vốn?

 

- Vấn đề này như tôi đã trình bày ở trên, chính là một trong những mâu thuẫn đang phải giải quyết. Theo tôi, ngoài những biện pháp mà Chính phủ đã đề ra tại Nghị quyết 02, cần có biện pháp tình thế mạnh mẽ hơn trong việc cung cấp tín dụng theo nguyên tắc: không để doanh nghiệp nào đang có thị trường (có đầu ra cho sản phẩm) nhưng phải ngưng hoạt động, hoặc hoạt động cầm chừng vì thiếu nguồn tín dụng, kể cả đang bị liệt vào danh sách nợ xấu.

 

* Xin cảm ơn tiến sĩ!

 

QUANG THUẦN (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek