Nghị định 26/2013/NĐ-CP của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Xây dựng chính thức có hiệu lực từ ngày 15/5. Như vậy, việc thí điểm thành lập lực lượng thanh tra xây dựng tại quận, huyện và phường, xã, thị trấn (Quyết định 89/2007 của Thủ tướng Chính phủ) sẽ chính thức chấm dứt.
Hiện toàn quốc có khoảng 5.000 thanh tra xây dựng, gồm thanh tra bộ và thanh tra Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Riêng TP Hồ Chí Minh và Hà Nội còn có lực lượng thanh tra xây dựng quận, huyện, xã, phường. Nhìn chung, cán bộ làm thanh tra xây dựng cơ bản được đào tạo đúng ngành nghề, có kinh nghiệm công tác hàng chục năm, nghiệp vụ tương đối vững vàng và đã làm được nhiều việc trong những năm gần đây (từ năm 2006, khi Nghị định 46/NĐ-CP ban hành). Nghị định 26/2013/NĐ-CP ra đời là một động thái “tái cơ cấu” thanh tra xây dựng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này.
Theo Nghị định 26/2013/NĐ-CP, tới đây hoạt động của thanh tra xây dựng gồm: thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về quy hoạch, kiến trúc; hoạt động đầu tư xây dựng; phát triển đô thị; quản lý, sử dụng các công trình hạ tầng kỹ thuật; phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, kinh doanh bất động sản... Tuy nhiên, thời gian qua, thanh tra xây dựng của các quận, huyện, phường, xã ngoài việc quản lý trật tự xây dựng địa bàn còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ do UBND các cấp giao như: xử lý lấn chiếm lòng lề đường, xử phạt giao thông, vệ sinh môi trường, tham gia cưỡng chế giải phóng mặt bằng cho các dự án, thu phí đỗ xe…
Được giao nhiều việc nên đông mà không mạnh, việc chính là quản lý trật tự xây dựng thì không được chú trọng, lại “quàng” sang những việc khác, một bất cập của lực lượng thanh tra xây dựng hiện nay đó là chất lượng đội ngũ. Như vậy, việc “tái cơ cấu” lại lực lượng thanh tra xây dựng vào thời điểm này là hết sức cấp thiết. Chỉ khi có một bộ máy đủ mạnh, vận động trong một guồng quay hợp lý và cán bộ làm công tác chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, năng lực để đảm nhiệm phần việc được giao thì mới có thể tạo nên những chuyển biến cơ bản trong lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng. Cơ chế lỏng lẻo, cán bộ được tuyển dụng tùy tiện, chức năng nhiệm vụ được giao không rõ ràng… những điều đó vừa làm cho trật tự xây dựng đô thị lộn xộn, vừa nảy sinh những tiêu cực, làm tha hóa đội ngũ cán bộ.
HƯỚNG DƯƠNG (tổng hợp từ Chinhphu.vn)