Từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch, tôm hùm giống xuất hiện nhiều ở dọc bãi biển xã An Hải (huyện Tuy An). Hàng trăm ngư dân ở đây đã tranh thủ khai thác nguồn lợi này để vươn lên làm giàu.
Nhờ có tôm hùm, dân An Hải đã giàu lên - Ảnh: Q.ĐẠT
3 giờ chiều. Các làng biển ở An Hải trở nên sôi động, hàng trăm người khiêng thúng chai, vác lưới và các phương tiện khác hướng ra bãi neo đậu tàu thuyền. Mặc cho biển động, những ngư dân vẫn chèo thúng lướt sóng để lên tàu, nhổ neo, nổ máy chạy ra bãi, ra gành tìm vị trí thích hợp để giăng mành. Ngư dân Trần Văn Sinh ở thôn Xuân Hòa, đứng trước biển nói: “Giờ này tàu nào cũng tranh thủ đi thả mành cho kịp khi trời tối chong điện… đón tôm. Kinh nghiệm cho thấy hôm nào biển nhiều sóng, gió thì đánh bắt được nhiều tôm”. Gia đình ông Sinh vốn làm nghề đăng chấn, chài lưới trong đầm Ô Loan, thu nhập chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Đầu năm 2006, ông vay mượn thêm vốn, đầu tư hơn 60 triệu đồng đóng mới chiếc tàu lắp máy hơn 10 mã lực và sắm dàn mành để khai thác tôm hùm giống. “Sau lần mở biển giăng mành, tôi là người đầu tiên ở An Hải may mắn được “lộc trời”, chỉ một đêm trúng đậm với số lượng hơn 300 con tôm hùm giống, thu lãi hơn 45 triệu đồng. Chỉ qua một mùa đầu tiên khai thác tôm, tôi đã thu lãi trên 100 triệu đồng, trả hết vốn vay mua sắm phương tiện. Từ đó, gia đình tôi được khá giả hơn và chuyển hẳn sang làm nghề tôm. Riêng trong thời gian ngắn đầu vụ tôm hùm năm nay, gia đình tôi cũng đã đánh bắt tôm thu được trên 35 triệu đồng.…” – ông Sinh cho biết.
Hàng trăm hộ ngư dân khác ở An Hải cũng thật sự đổi đời nhờ khai thác tôm hùm giống. Chủ tịch UBND xã An Hải Lê Văn Sâm cho biết, trước đây toàn xã chỉ có vài chục chiếc tàu thuyền có công suất nhỏ chủ yếu khai thác trong đầm Ô Loan. Từ khi có phong trào nuôi tôm hùm, bà con ở đây ồ ạt đầu tư phát triển phương tiện nghề khai thác tôm giống. Hiện địa phương có 203 chiếc tàu thuyền đều làm nghề này. Liên tiếp nhiều vụ tôm gần đây đều được mùa nên hộ nào cũng có thu nhập khấm khá. Chỉ riêng trong năm 2006, ngư dân đã đánh bắt được hơn 10 vạn con tôm với doanh thu hơn 15 tỷ đồng, chưa kể doanh thu của hơn 100 lồng nuôi ương khoảng 8.000 con tôm hùm mỗi năm. Nhờ đó, cuộc sống dân cư ở các thôn ven biển đổi thay nhanh chóng. Ai ai cũng thi nhau xây nhà mới, mua sắm tiện nghi sinh hoạt trong gia đình.
Làng biển Phước Đồng vốn nghèo nhất trong các thôn ở xã An Hải, đường xá đi lại khó khăn, cách trở đò giang. Vậy mà, bây giờ, làng xóm bỗng chốc “lột xác” trở nên trù phú, nhiều nhà xây ngói mới đỏ tươi, có cả nhà cao tầng, nhà “biệt thự” mọc lên san sát. Ngoài việc Nhà nước quan tâm đầu tư điện, đường, trường, trạm, bà con ở đây đã biết tự lực vươn lên, sớm đầu tư chuyển toàn bộ 67 chiếc tàu thuyền chuyên giăng mành tôm hùm với thu nhập từ 20 – 100 triệu đồng/hộ/năm. Nhiều ngư dân vốn nghèo khó, giờ đã trở thành những triệu phú tôm hùm như các ông, bà Trần Văn Ra, Võ Kia, Lê Văn Bùm, Bùi Thị Lương… Hộ ông Đỗ Ngọc Thanh cùng nhiều hộ khác đi làm ăn xa mấy chục năm, nay cũng trở về quê hương Phước Đồng phát triển làm nghề đánh bắt tôm với thu nhập khá cao, xây nhà mới khá khang trang…
Ban đêm, vùng biển An Hải với hàng trăm chiếc tàu thuyền chong điện sáng rực như thành phố “nổi”. Hàng trăm ngư dân căng mắt thức trọn với biển để vật lộn cùng sóng, gió, kéo dàn mành bắt từng con tôm hùm giống trắng, trong và nhỏ như que tăm. Dù vất vả, gian nan, nhưng bù lại cuộc sống của họ thật sự ăn nên làm ra và vươn lên làm giàu chính đáng.
NGUYÊN LƯU