Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Sơn Giang (Sông Hinh) đã đạt được 9/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn nơi đây đã khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện.
Nông dân xã Sơn Giang (Sông Hinh) thu hoạch mía - Ảnh: V.THÙY
Về xã Sơn Giang hôm nay, cảm nhận đầu tiên là cảnh quan, môi trường có nhiều chuyển biến rõ nét; hệ thống đường giao thông của xã được bê tông, đường làng ngõ xóm sạch đẹp; đời sống người dân được cải thiện đáng kể nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương. Hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, các hội đoàn thể ở xã Sơn Giang đã triển khai nhiều mô hình hay, mang lại hiệu quả thiết thực, được đông đảo đoàn viên, hội viên và quần chúng nhân dân hưởng ứng, như: Hội Nông dân xã triển khai mô hình Chỉnh trang nhà cửa, đường làng ngõ xóm; Đoàn Thanh niên tuyên truyền chấp hành Luật Giao thông đường bộ; Hội Người cao tuổi với tinh thần “Tuổi cao gương sáng”, đi đầu trong mọi hoạt động, làm gương cho con cháu noi theo. Trong đó tiêu biểu phải kể đến mô hình “Xây dựng gia đình năm không, ba sạch” của Hội Phụ nữ phát động. Dù mô hình này triển khai trong khoảng thời gian ngắn nhưng đã trở thành điểm sáng trong hoạt động tại địa phương. Thực hiện tiêu chí ba sạch, các cấp Hội Phụ nữ xã Sơn Giang xây dựng và duy trì “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, qua đó huy động hội viên dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm, góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân tại địa phương.
Qua 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay xã Sơn Giang đã đạt được 9/19 tiêu chí trong bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Ông Phạm Quốc Thông, Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: “Trong tất cả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, khó khăn nhất của xã là nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho lao động. Từ những kết quả bước đầu đã đạt được, trong năm 2013, xã chọn tiêu chí thứ 17 về môi trường để phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, để giảm tỉ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, xã đã triển khai kế hoạch xây dựng cánh đồng mẫu lớn để trồng lúa lai cho năng suất, chất lượng cao; khuyến khích nông dân mở rộng diện tích mía chủ động được nước tưới”.
Vì diện tích đất sản xuất không lớn, Đảng ủy, chính quyền xã Sơn Giang định hướng người dân trong xã tập trung vào thâm canh, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từ đó đưa năng suất cây trồng, vật nuôi tăng. Từ chỗ chỉ biết sử dụng các giống lúa thuần, năng suất thấp, đến nay xã có gần chục hecta lúa lai, sản xuất theo phương thức hiện đại, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, năng suất trung bình đạt 7,5 tấn/ha, cao gấp rưỡi so với lúa thuần.
Bên cạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Sơn Giang cũng được chú trọng bảo tồn. Tiêu biểu như văn hóa cồng chiêng của người Ba na ở thôn Suối Biểu. Ông Lê Văn Sơn, dân tộc Ba Na ở thôn Suối Biểu cho biết: Cũng như các dân tộc thiểu số khác, cồng chiêng là món ăn tinh thần gắn bó với cuộc sống thường ngày của cộng đồng dân cư đồng bào dân tộc chúng tôi. Nhưng khác với các dân tộc khác, nét độc đáo ở đây là cồng chiêng Ba Na có thể sử dụng vào tất cả các dịp lễ hội, qua cồng chiêng con người bộc lộ những cảm xúc với thiên nhiên và cuộc sống. Với ý nghĩa đó, để bảo tồn nét văn hóa truyền thống, hàng năm ban nhân dân thôn có động viên các nghệ nhân tham gia hội thi thể thao văn hóa các dân tộc thiểu số; chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại thôn để biểu diễn cồng chiêng. Ông Sơn cho hay: “Phấn khởi nhất là thôn Suối Biểu đã được đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, đây là điểm sinh hoạt văn hóa, giải trí lý tưởng cho bà con nhân dân. Đáng mừng hơn, các nghệ nhân trong xã như Y Mẻ, Y Bình, Y Thông, Y Thiện… luôn tâm huyết, nhiệt tình, đã khơi dậy niềm đam mê, hăng say học tập cho các thế hệ trẻ trong thôn”.
VĂN THÙY