Ngày 28 và 29/3, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2013, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2013. Các thành viên Chính phủ cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước - là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp do tổng cầu giảm, trong khi sản xuất trong nước tiêu thụ chậm, tồn kho tăng cao...
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý I/2013, các thành viên Chính phủ đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội trong quý I/2013 vẫn còn khó khăn, tăng trưởng chưa cao (4,89%), nhưng nhiều chỉ tiêu cao hơn so với quý I/2012, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp, tháng 3/2013 đã có nhập siêu, tín dụng tăng trưởng dương, dự trữ ngoại hối tăng, tỉ giá cơ bản ổn định... Nhìn chung, kinh tế vĩ mô có những dấu hiệu tích cực, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, có nhiều tín hiệu cho phục hồi tăng trưởng. Nổi bật là chỉ số CPI tháng 3/2013 giảm 0,19% so với tháng trước, là tháng có chỉ số giảm sau 7 tháng tăng liên tiếp. Nguyên nhân CPI tháng 3 giảm so với tháng trước là do các cấp, các ngành tiếp tục triển khai quyết liệt, có hiệu quả các biện pháp, chính sách theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý giá cả thị trường, cung - cầu hàng hóa, chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và nguồn cung lương thực dồi dào do đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch lúa đông xuân.
Đề cập đến thị trường bất động sản, các thành viên Chính phủ kiến nghị, các bộ, ngành chức năng sớm hướng dẫn và triển khai khẩn trương các chủ trương chính sách hỗ trợ tín dụng đối với mua nhà giá rẻ, nhà phổ thông.
ƯU TIÊN NGUỒN LỰC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
Bên cạnh những kết quả đạt được, các thành viên Chính phủ cho rằng, nền kinh tế vẫn còn những khó khăn, thách thức, tồn tại, trong đó nổi lên là cả khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản và khu vực công nghiệp, xây dựng đều có mức tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm trước. Sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến và chế tạo gặp nhiều khó khăn do chi phí đầu vào cao, sức mua giảm, tiêu thụ chậm. Doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Việc thực hiện tái cấu trúc ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và thị trường bất động sản chậm được giải quyết...
Nhiều ý kiến của các thành viên Chính phủ cho rằng cần tiếp tục kiên định việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, duy trì đà phục hồi tăng trưởng… bởi đây là những điều kiện tiên quyết cho nền kinh tế phát triển vững chắc. Do vậy, trước hết phải chỉ đạo quyết liệt hơn nữa các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ổn định và tạo thêm điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và doanh nghiệp; huy động các thành phần kinh tế đầu tư kinh doanh để phát triển kinh tế; nhất quán thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để bổ sung cho nguồn vốn đầu tư toàn xã hội.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và một số thành viên Chính phủ nhấn mạnh cần huy động tốt hơn các nguồn lực để ưu tiên cho đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp; tiếp tục có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đồng vốn đến kịp với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này để phát triển sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại đối với những mặt hàng nông sản. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm Thuế thu nhập doanh nghiệp xuống 20%, thậm chí xuống dưới 20% đối với những doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa nông sản; giảm thuế VAT đối với các sản phẩm đầu vào của nông nghiệp như phân bón, thức ăn chăn nuôi... Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý đến việc khống chế, dập tắt dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngay từ khi phát hiện, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng…
QUYẾT LIỆT THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ với mục tiêu kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện cho được mục tiêu tăng trưởng ở mức 5,5% của năm 2013, giữ lạm phát thấp hơn năm 2012… Trước hết cần dành ưu tiên cho thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, giải quyết hàng tồn kho, tạo đà cho phục hồi tăng trưởng. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo các bộ, ngành chức năng thực hiện các giải pháp hỗ trợ về thuế có hiệu quả để giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, mở rộng thị trường, nhất là thị trường xuất khẩu đi đôi với hỗ trợ khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của Việt Nam, trong đó ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao tạo giá trị gia tăng lớn và công nghiệp phụ trợ. Tăng cường các biện pháp đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là các nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ, vốn ODA…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh phải tiếp tục triển khai quyết liệt tái cơ cấu kinh tế, bao gồm, tái cơ cấu đầu tư; tái cơ cấu doanh nghiệp; tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính. Chú trọng chỉ đạo công tác thu chi ngân sách nhà nước để bảo đảm các cân đối thu chi theo kế hoạch; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý các bộ, ngành địa phương phối hợp hiệu quả trong thực hiện lộ trình tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ, song phải tránh tác động gây tăng CPI đột biến cũng như những tác động bất lợi đến nền kinh tế; đồng thời phối hợp thực hiện tốt công tác phòng chống, khống chế dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi...
(TTXVN)