Trên nhiều cánh đồng của huyện miền núi Sông Hinh, lúa lai TH3-3 xanh bạt ngàn. Đây là vụ đầu tiên đồng bào dân tộc thiểu số tiếp nhận khoa học kỹ thuật mở rộng diện tích sản xuất lúa lai thay cho giống lúa thuần ở địa phương.
Cán bộ kỹ thuật Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên kiểm tra tình hình phát triển lúa lai ở huyện Sông Hinh - Ảnh: H.NAM
ĐƯA LÚA LAI VỀ BUÔN
Không chỉ ở các xã Ea Trol, Ea Bia gần trung tâm huyện lỵ Sông Hinh, lúa lai còn trải dài trên những cánh đồng các xã vùng sâu, vùng xa như: Ea Bar, Ea Ly, Ea Lâm, Sông Hinh. Đáng nói hơn, bà con đồng bào dân tộc thiểu số Ê Đê, Chăm H’roi ở đây đã biết ứng dụng tiến bộ kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa và sản xuất theo mô hình Cánh đồng mẫu lớn.
Cánh đồng buôn Ly, buôn Bầu (xã Ea Trol) lúa lai xanh mượt trên từng thửa ruộng vuông vức. Ông Lê Mô Y Lương, dân tộc Ê Đê ở buôn Ly, đang phát dọn bờ vùng để chuột khỏi ẩn nấp, tỉ mẩn bứt từng cọng cỏ chỉ thòng sâu trong ruộng. Ông Lương cho biết: “Tôi có 4 sào lúa lai, suốt vụ lúa không bị bệnh. Nghiệt một nỗi là chuột cắn phá nên phải thường xuyên cắt cỏ nạo sát bờ ruộng, tìm hang đào bắt chuột”.
Trong khi đó, thửa ruộng của ông Ma Nít rộng 3.000m2 ở cánh đồng buôn H KLốc (xã Ea Bia) gié lúa trĩu hạt, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Ma Nít giãi bày: “Trước đây sản xuất các giống lúa thuần ở địa phương thường bị sâu bệnh gây hại, có năm lúa trổ đòng mà thân cây chỉ hơn gang tay người lớn, gié ngắn ngủn, năng suất chỉ 150kg/sào, còn năm nay lúa xanh tốt, năng suất có thể 350kg/sào. Trồng lúa lai theo mô hình sạ hàng, sạ thưa ít đầu tư phân lại không tốn tiền phun thuốc sâu, lợi nhuận cao hơn nhiều so với trồng lúa thuần sản xuất theo cách truyền thống”. Cạnh đó, ông Ma Cheo (buôn H KLốc), trồng lúa lai trên diện tích 2.000m2, nhìn ruộng lúa trổ đòng không chớp mắt. Ma Cheo nói: Thông thường tôi gieo sạ 10 kg/sào đã thấy “nhẹ” tay, còn nay gieo sạ 4 kg/sào không tin lắm, nhưng khi lúa đến giai đoạn chuẩn bị đẻ nhánh, tôi bón phân theo quy trình kỹ thuật, lúa đẻ nhiều nhánh. Nay trổ đòng, gié lúa dài nặng hạt. Mấy ngày qua, ai đi qua lại thấy ruộng lúa nhà tôi cũng trầm trồ, dự đoán năng suất đạt 70 tạ/ha.
Trưởng phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh Nguyễn Khắc Sự cho biết, vụ đông xuân 2011-2012, Sông Hinh đưa vào sản xuất thử nghiệm mô hình lúa lai TH3-3 trên 5ha tại cánh đồng ở các xã Đức Bình Đông, Đức Bình Tây. Đến vụ đông xuân này, đưa diện tích sản xuất lúa lai lên đến 113,8ha mở rộng ra các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như xã Sông Hinh, giáp với huyện Ma Đrắc (Đắk Lắk) hoặc Ea Lâm, giáp với tỉnh Gia Lai). Nhìn chung, lúa phát triển tốt, năng suất ước đạt trên 70 tạ/ha, cao nhất từ trước đến nay. “Việc phát triển lúa lai tại huyện Sông Hinh được sản xuất theo mô hình Cánh đồng mẫu lớn, được Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Hoàng Long Vina (KCN Hòa Hiệp) hỗ trợ phân bón và Trung tâm Khuyến nông - lâm huyện hướng dẫn kỹ thuật canh tác”, ông Sự nói.
NHÂN RỘNG SẢN XUẤT LÚA LAI
Vụ đông xuân 2011-2012, lúa lai TH3-3 được đưa về Phú Yên trồng khảo nghiệm tại các địa phương trong tỉnh, kết quả cho thấy giống lúa lai 2 dòng TH3-3 phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng nhiều vùng trong tỉnh, năng suất từ 70-80tạ/ha, cao hơn so với lúa thuần sản xuất ở địa phương 16 tạ/ha. Hiệu quả cho thấy rõ nhất là sử dụng lượng giống sạ chỉ 4kg/sào, lượng phân bón giảm, ít sâu bệnh. Mặt khác, sản xuất giống lúa lai có khả năng kháng sâu bệnh cao nên đảm bảo được tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái do không phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều. Vì vậy, Sở NN-PTNT chỉ đạo ngành nông nghiệp các địa phương mở rộng diện tích sản xuất lúa lai, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nông dân miền núi góp phần hoàn thành tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Nguyễn Trọng Tùng, phân tích: Lúa TH3-3 được sản xuất trong nước, có thời gian sinh trưởng ngắn (95-96 ngày). Trong thời gian sinh trưởng không xuất hiện đối tượng sâu bệnh nguy hiểm, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương, chống chịu tốt với điều kiện thời tiết bất lợi, cây cứng chống đổ ngã. Vụ đông xuân năm nay, toàn tỉnh gieo trồng 26.500ha lúa, trong đó có 250ha lúa lai, riêng huyện miền núi Sông Hinh trồng hơn 110ha.
Ông Tùng cho biết thêm, thời gian qua, một số địa phương trong tỉnh có chính sách hỗ trợ kinh phí để nông dân sản xuất giống lúa mới thay thế những giống đã thoái hóa. Tuy nhiên, một số địa phương chưa thể triển khai chính sách này. Do vậy, nông dân còn sử dụng lúa thịt làm giống, tỉ lệ này chiếm đến 90% diện tích sản xuất như giống ML68 hiện đã thoái hóa, tỉ lệ lẫn tạp chiếm 85%, chất lượng và hiệu quả kinh tế thấp. Sở NN-PTNT yêu cầu, thời gian đến các địa phương thực hiện liên kết 4 nhà, huy động nguồn vốn nhân rộng mô hình sản xuất lúa lai để mang lại thu nhập cao cho nông dân.
Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Trâm, nguyên Viện phó Viện Công nghệ sinh học, “mẹ đẻ” giống lúa lai TH3-3, trong chuyến kiểm tra tình hình sản xuất lúa lai ở Phú Yên cho biết, giống lúa TH3-3 đã được trồng đại trà ở các tỉnh phía Bắc và nhiều cánh đồng ở miền Trung cho năng suất cao, chất lượng gạo ngon. Để từng bước thay đổi tập quán canh tác và tăng thu nhập, nông dân cần áp dụng khoa học kỹ thuật mới, xóa dần tập quán canh tác lạc hậu để nâng cao hiệu quả sản xuất giống lúa lai này. |
MẠNH HOÀI NAM