Nhiều loại bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm đang xuất hiện tại một số tỉnh, thành, trong đó có bệnh heo tai xanh ở Quảng Nam và cúm H5N1 ở Khánh Hòa, nên nguy cơ dịch bệnh lây nhiễm đàn gia súc, gia cầm nuôi ở Phú Yên là rất cao. Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lâm, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh về công tác phòng chống các loại bệnh nguy hiểm này cho đàn vật nuôi của tỉnh.
Tiêm phòng vắcxin cho gia súc, gia cầm giúp hạn chế dịch bệnh lây nhiễm - Ảnh: T.HƯƠNG
* Ông có thể cho biết, hiện đàn gia súc, gia cầm nuôi trong tỉnh có bị mắc bệnh gì không?
- Trước đây, đàn bò nuôi ở buôn Thô, thị trấn Hai Riêng (Sông Hinh) có bị mắc bệnh lở mồm long móng, nhưng sau khi phát hiện ngành thú y đã phối hợp với địa phương bao vây, khống chế ổ bệnh không để lây lan trên diện rộng. Đến nay, số bò bị mắc bệnh đã khỏe hoàn toàn. Có thể khẳng định rằng, hiện đàn gia súc, gia cầm nuôi trong tỉnh hoàn toàn khỏe mạnh.
* Được biết, bệnh cúm gia cầm và heo tai xanh đang xảy ra tại tỉnh Khánh Hòa và Quảng Nam. Vậy ngành thú y có biện pháp gì để chủ động phòng chống bệnh?
- Hiện dịch bệnh tai xanh ở heo và cúm gia cầm ở gà, vịt, lở mồm long móng ở trâu, bò vẫn đang xảy ra tại một số tỉnh, thành phố, trong đó đáng chú ý là bệnh heo tai xanh đang bùng phát ở Quảng Nam, bệnh cúm gia cầm ở Khánh Hòa. Trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang diễn biến phức tạp, Chi cục Thú y tỉnh đã chỉ đạo các trạm thú y tham mưu UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh củng cố lại ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật, đồng thời tăng cường công tác giám sát và phát hiện dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để có biện pháp xử lý kịp thời; vận động người chăn nuôi thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh như: vệ sinh chuồng trại và phun thuốc tiêu độc sát trùng, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, bổ sung các loại thuốc Vitamine C, Bcomplex, các thuốc điện giải và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng cho đàn gia súc, gia cầm.
UBND tỉnh cũng đã có quyết định thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên đường Phước Tân - Bãi Ngà và tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông cho Trạm kiểm dịch động vật Hảo Sơn (Đông Hòa) và Chốt kiểm dịch động vật Bình Phú (TX Sông Cầu) nhằm tăng cường công tác kiểm tra động vật ra vào tỉnh. Ngoài ra, Chi cục Thú y tỉnh cũng đã tham mưu Sở NN-PTNT trình UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT.
* Công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có gặp những khó khăn gì, thưa ông?
- Hiện người chăn nuôi vẫn còn mang tính ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước, nên chưa chủ động mua vắc xin, thuốc sát trùng để tiêm phòng và phun thuốc tiêu độc, tẩy trùng môi trường chăn nuôi. Khi vật nuôi mắc bệnh, một số người giấu bệnh, bán tháo gia súc, gia cầm mắc bệnh. Ngoài ra, việc chăn nuôi nhỏ lẻ và thời tiết diễn biến thất thường cũng là một trong những khó khăn trong quá trình ngành thú y triển khai công tác phòng chống dịch bệnh.
* Chi cục Thú y tỉnh khuyến cáo gì đối với người chăn nuôi trong việc chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi?
- Khi mua con giống về nuôi phải có nguồn gốc rõ ràng và được cơ quan thú y giám sát kiểm tra theo quy định. Người chăn nuôi cần đảm bảo vấn đề chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, thường xuyên làm vệ sinh khu vực chăn nuôi; phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin… theo hướng dẫn của nhành thú y. Người chăn nuôi phải tuyệt đối thực hiện đúng quy định phòng chống dịch bệnh, khi gia súc có biểu hiện bất thường, gia cầm chết phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xét nghiệm và có biện pháp xử lý kịp thời, không để lây lan trên diện rộng và tránh tình trạng bán tháo gia cầm, gia súc bệnh.
* Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)