Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN (AEM) lần thứ 19-sự kiện thường niên quan trọng của Trụ cột kinh tế ASEAN, với sự tham dự của 10 Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và Tổng Thư ký ASEAN diễn ra ngày 8/3 tại Hà Nội đã kết thúc sau hai giờ làm việc tập trung và hiệu quả.
Kết thúc hội nghị, hai nghị định sửa đổi tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại trong nội khối đã được ký kết cùng với các sáng kiến quan trọng đã được đưa ra và thống nhất thực hiện nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, tiến tới thiết lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015.
Các bộ trưởng Kinh tế ASEAN chụp ảnh chung. - Ảnh: TTXVN
Tập trung và hiệu quả
Thông báo về kết quả đạt được của Hội nghị AEM 19, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết: Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng kinh tế của 10 nước ASEAN đã xem xét nhiều hơn các vấn đề quan trọng nhằm thúc đẩy việc xây dựng cộng đồng kinh tế chung (AEC) vào năm 2015.
Cụ thể, các bộ trưởng đã đánh giá tình hình hợp tác kinh tế trong năm 2012, trên cơ sở đó xác định các định hướng hợp tác cụ thể về kinh tế trong năm 2013 nhằm xây dựng và thực hiện lộ trình xây dựng AEC vào năm 2015.
Các bộ trưởng đã xem xét một số sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN về phát triển đồng đều, kết nối con người, kết nối thể chế của ASEAN bao gồm các sáng kiến về tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối ASEAN với các đối tác, xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, xây dựng mạng lưới cho các doanh nhân ASEAN, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ASEAN. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đã thực hiện ký kết các văn kiện quan trọng gồm: Nghị định thư sửa đổi một số Hiệp định kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN.
Đặc biệt, các bộ trưởng đã xem xét một sáng kiến quan trọng, thể hiện vai trò trung tâm, dẫn dắt của các nước ASEAN trong việc hình thành nên cấu trúc kinh tế của khu vực. Đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với các tài liệu liên quan đến lộ trình đàm phán Hiệp định RCEP.
Theo ông Tú, nếu mọi việc suôn sẻ, Hiệp định RCEP sẽ bắt đầu khởi động đàm phán trong năm 2013 và kết thúc trước năm 2016 nhằm hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với số dân chiếm tới 50% dân số thế giới và GDP chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu.
Tại hội nghị lần này, các bộ trưởng cũng dành nhiều thời gian thảo luận việc hỗ trợ doanh nghiệp bởi doanh nghiệp là những người trực tiếp thực hiện các thỏa thuận của ASEAN, là những người trực tiếp đem lại kết quả cuối cùng trong hợp tác kinh tế phát triển ASEAN. Theo đó, các bộ trưởng đã đạt được sự thống nhất cao trong các nội dung liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp như xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, xây dựng cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, nâng cao năng lực của doanh nghiệp trẻ.
Vẫn còn nhiều việc phải làm
Theo Phó vụ trưởng Vụ Thương mại đa biên Bộ Công Thương, Nguyễn Thị Hoàng Thúy, mốc thời gian 2015 đang đến gần đòi hỏi các nước thành viên ASEAN nỗ lực gấp đôi nhằm thiết lập được cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015 để các thành viên đều được hưởng lợi trên cơ sở một ASEAN là cơ sở sản xuất chung; một thị trường chung; một khu vực cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.
Trên lộ trình tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint), đến nay ASEAN đã hoàn thành 74,5% mục tiêu đặt ra. Các vấn đề còn tồn tại phải giải quyết chính là thực hiện hài hòa hóa thương mại (hải quan, tiêu chuẩn), dịch vụ, đầu tư và vận tải.
Đồng quan điểm này, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhấn mạnh: Hài hòa hóa thủ tục là một thách thức lớn với các nước ASEAN trên lộ trình xây dựng một cộng đồng kinh tế chung vào năm 2015 bởi các nước ASEAN có trình độ chính trị, văn hóa khác nhau, xuất phát điểm kinh tế rất khác nhau giữa các nước ASEAN 6 và 4 nước gia nhập sau là Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam (CLMV).
Trong những năm qua, với sự nỗ lực chung, các nước ASEAN đã đạt được những kết quả nhất định trong mục tiêu hài hòa hóa này. Theo đó, về hài hòa hóa các thủ tục hải quan, các nước đã ký kết được Hiệp định hải quan mới thay thế cho Hiệp định hải quan ký từ năm 1997. Các nước ASEAN cũng đang nỗ lực thực hiện cơ chế hải quan một cửa để tiến tới thực hiện cơ chế hải quan một cửa trong ASEAN. Đây là cơ chế làm cho việc kinh doanh thương mại giữa các nước được thuận lợi hơn thông qua việc truyền tải thông tin, dữ liệu cần thiết qua mạng điện tử. Các nước ASEAN cũng đã xây dựng được chiến lược hải quan chung giai đoạn 2011-2015.
Về hài hòa hóa tiêu chuẩn, quy tắc, thủ tục, ASEAN đã đạt được sự đồng thuận trong chứng nhận thủ tục hàng hóa xuất xứ. Đặc biệt, trong thời gian qua, ASEAN đã thực hiện được sáng kiến tự chứng nhận xuất xứ doanh nghiệp. Hiện các nước đang thực hiện thí điểm cơ chế này, trên cơ sở đó tổng kết, rút kinh nghiệm để hoàn thiện cơ chế trong nước của mình, từng bước xây dựng thể chế phối hợp giữa các nước trong ASEAN, tiến tới thực hiện trong toàn khối ASEAN.
Đối với vấn đề tiêu chuẩn sản phẩm, các nước ASEAN đang cố gắng thực hiện hài hòa tiêu chuẩn của 12 nhóm sản phẩm ưu tiên thông qua việc ký kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau ở các sản phẩm: Điện-điện tử, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp, ôtô. Đồng thời, các nước ASEAN cũng xây dựng được một cơ chế quản lý chung trong lĩnh vực mỹ phẩm, điện-điện tử; đang triển khai thực hiện trong lĩnh vực thiết bị y tế, thuốc cổ truyền dân tộc, thực phẩm dinh dưỡng bổ sung. Các nước ASEAN đã xây dựng được chương trình hành động chung giai đoạn 2011-2015.
Bổ sung thêm những vấn đề tồn tại mà ASEAN sẽ tiếp tục phải giải quyết trên con đường tiến tới thiết lập AEC vào năm 2015, Trưởng đoàn Myanmar, ông Aung Naing Oo khẳng định: Cho đến nay, sự khác biệt về trình độ phát triển kinh tế giữa các nước ASEAN 6 và 4 nước CLMV là rất lớn nên các nước ASEAN sẽ phải chung tay bên cạnh sự hỗ trợ của các đối tác để thu hẹp khoảng cách phát triển. Đây là thách thức thường trực đối với mục tiêu hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.
Theo TTXVN