Thị trường đồ điện – điện tử ở thời điểm này có nhiều biến động có lợi cho người tiêu dùng bởi giá giảm, có nhiều thương hiệu để lựa chọn. Trái lại, một số mặt hàng thực phẩm như gạo, hải sản, rau - củ... đang có xu hướng tăng giá vào dịp cuối năm.
Nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá khiến người tiêu dùng phải cân nhắc trong chi tiêu – Ảnh: Đ. NGUYÊN |
Việc Việt
Ngoài cơ hội mua hàng giá rẻ từ nhà sản xuất, người tiêu dùng còn được lợi từ sự cạnh tranh thu hút khách bằng khuyến mại giữa các cửa hàng. “Làm được điều này là do cửa hàng được các nhà sản xuất hỗ trợ trong cuộc chạy đua tiếp thị thương hiệu với người tiêu dùng” – đó là nhận định chung của giới kinh doanh. Theo thống kê của các nhà quản lý thị trường, giá bán trung bình của các mặt hàng tivi, tủ lạnh, máy tính hiện đã giảm và đang có xu hướng tiếp tục giảm; nhiều mặt hàng giảm đến 30%, trung bình giảm 10-20% tùy theo loại.
Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp cuối năm các mặt hàng thực phẩm đều có xu hướng tăng giá. Nóng nhất trong thời điểm hiện nay là giá gạo và thịt đang có xu hướng tăng; hiện đã tăng từ 300 – 700 đồng/kg. Giá gạo thường dao động trong khoảng 4.500 đồng – 9.500 đồng. Giá thịt heo và thịt bò cũng đã tăng từ 1.000 đến 3.000 đồng/kg. Theo dự báo của các đại lý gạo tại TP. Tuy Hòa, thị trường gạo và thịt trong thời gian tới sẽ biến động theo chiều hướng tăng do nguồn cung cấp không ổn định.
Các loại rau củ hiện đã tăng từ 300 - 500 đồng/kg, tùy theo loại. Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương bán rau, quả chợ TP Tuy Hòa cho biết: Giá rau sẽ còn tiếp tục tăng bởi hiện tại sản lượng đã bị giảm do phần lớn diện tích đã chuyển sang trồng hoa phục vụ Tết Nguyên đán. Rau, quả Đà Lạt dù về nhiều nhưng vẫn tăng giá bởi nhu cầu cuối năm cao hơn bình thường 20-30%. Các mặt hàng hải sản đến thời điểm này tuy chưa tăng, nhưng đã tiềm ẩn nguy cơ tăng giá rất lớn do đang là mùa biển động kéo dài.
ĐĂNG NGUYÊN