Các chuyên gia về môi trường đều có chung nhận định, không khí tại các đô thị lớn ở nước ta đều bị ô nhiễm bụi. Có nơi ô nhiễm nặng, đặc biệt là những khu vực có mật độ giao thông cao, tập trung các hoạt động sản xuất công nghiệp.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Môi trường, ô nhiễm không khí tại đô thị Việt Nam ngày càng có xu hướng gia tăng đến mức báo động, nhất là các TP Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương... các chất gây ô nhiễm độc hại như các loại oxit như: nitơ oxit (NO, NO2), nitơ đioxit (NO2), SO2, CO, H2S và các loại khí halogen (clo, brom, iôt); các hợp chất flo; các chất tổng hợp (ête, benzen); các chất lơ lửng (bụi rắn, bụi lỏng, bụi vi sinh vật), nitrat, sunfat, các phân tử cacbon, sol khí, khói, sương mù, phấn hoa; Các loại bụi nặng, bụi đất, đá, bụi kim loại như đồng, chì, sắt, kẽm, niken, thiếc, cađimi; khí quang hóa như ozôn, FAN, FB2N, NOX, anđehyt, etylen; chất thải phóng xạ; nhiệt độ; tiếng ồn…Tuy nhiên, nồng độ SO2, NO2, CO chưa vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhưng thông số bụi tại một số địa điểm và thời gian nhất định đã vượt quy chuẩn đến 3 lần và có dấu hiệu ngày càng tăng. Đặc biệt, tại các công trình xây dựng, nút giao thông trọng điểm, mức độ ô nhiễm không khí cao hơn gấp 5 đến 6 lần quy chuẩn cho phép.
Trong quá trình đô thị hóa, công trình xây dựng mọc lên hàng loạt, hoạt động duy tu, sửa chữa, làm mới cơ sở hạ tầng, đường sá, cầu cống cũng vì thế mà được tăng cường, từ đó phát sinh rất nhiều bụi, gồm cả bụi nặng và bụi lơ lửng.
Hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp cũng góp phần gia tăng đáng kể lượng khói bụi. Quá trình đốt nhiên liệu và xử lý nguyên liệu thô đã thải ra rất nhiều khí độc, sau đó đi qua các ống khói của nhà máy tuôn vào bầu không khí. Ô nhiễm công nghiệp còn phát sinh từ nguyên liệu, khí thải bị bốc hơi, rò rỉ, thất thoát trên dây chuyền sản xuất sản phẩm và trên các đường ống dẫn tải, được hút và thổi ra ngoài bằng hệ thống thông gió. Thực tế cho thấy, nguồn gây ô nhiễm không khí chủ yếu là phương tiện giao thông cá nhân như: ô tô, xe máy. Đây là phương tiện giao thông phổ biến nhất chiếm 95% về số lượng và đáp ứng 90% nhu cầu đi lại tại các thành phố lớn. Mỗi năm có khoảng 3 triệu mô tô, xe máy và 150.000 ô tô mới tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc kiểm soát lưu hành phương tiện này còn bỏ ngỏ, nhiều xe không được bảo dưỡng, sửa chữa bởi đa số người dân không hiểu rõ tác hại của khí thải, tác dụng của bảo dưỡng đối với việc giảm khí thải độc hại và tiết kiệm năng lượng. Sử dụng các phương tiện giao thông công cộng được xem là giải pháp tối ưu để giảm tải ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn cũng chưa được quan tâm đúng mức.
Theo một số chuyên gia môi trường, riêng trong lĩnh vực ô nhiễm giao thông cùng với việc quy hoạch đô thị tổng thể, chú trọng đến giao thông cần phải tăng cường các phương tiện công cộng như xe buýt, xe điện trên không, xe điện ngầm… và các hình thức giao thông không gây ô nhiễm.
PHƯƠNG NAM (tổng hợp)