Thứ Hai, 25/11/2024 10:06 SA
Khi cây lúa nước bén rễ trên đất núi
Thứ Năm, 24/01/2013 07:35 SA

Tại các huyện miền núi trong tỉnh đã phát triển hàng ngàn héc ta lúa nước, góp phần đảm bảo lương thực tại chỗ cho người dân. 

 

lua3130124.jpg

Nông dân xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) chăm sóc lúa đông xuân - Ảnh: H.NAM

 

HIỆU QUẢ THẤY RÕ

Vụ đông xuân 2012-2013, hơn 80ha lúa nước ở các cánh đồng xã Phú Mỡ (Đồng Xuân) xanh mượt. Dọc theo cánh đồng các thôn Phú Tiến 1, Phú Tiến 2, Phú Tiến 3, vượt lên dốc Ruộng rồi xuôi qua làng Hội, làng Bè (thôn Phú Giang) giữa bốn bề núi cao là những cánh đồng lúa nước. Lá lúa 40 ngày tuổi vươn dài xanh mượt hứa hẹn một cuộc sống no đủ của đồng bào nơi đây. Chị La Lang Thị Nhượng ở làng Bè, đang cấy lúa cho hay: “Nhờ bón phân chuồng nên ruộng ở đây lúc nào cũng tươi tốt. Trước khi cày vỡ, phân chuồng được bón cho ruộng, giúp đất tơi xốp đến hai vụ và đỡ tốn tiền mua các loại phân hóa học”. Còn ông Ma Chế ở thôn Phú Tiến 3 cho biết: “Tôi có 500m² lúa nước, mỗi năm sản xuất 2 vụ, thu hoạch khoảng 800kg lúa, nếu không bán mua thức ăn thì năm nào cũng dư ăn”.

Đi sâu vào làng Chín Bếp, những thửa ruộng vuông vức, bằng phẳng hiện ra. Sau khi di dời về ở gần trung tâm xã để có điện thắp sáng, bà con cũng đã cần mẫn lặn lội vào đây làm ruộng. Những ngôi nhà sàn lợp tranh rải rác quanh cánh đồng là nơi người dân làm ruộng ngủ lại qua đêm, bởi từ trung tâm xã Phú Mỡ vào đây hơn 10 cây số đường rừng. Ma Lợt nói: “Làm ruộng ở đây khỏe lắm, không bón phân cũng không phun thuốc, chỉ tốn công cuốc ruộng, ngâm ủ giống. Từ khi trồng lúa nước đến nay, vụ nào gié lúa cũng dài cả gang tay người lớn”. Vào mùa mưa, chất mùn từ lá cây rừng già ủ mục bồi đắp cho cánh đồng này, còn nước ở đây được dẫn từ con suối Mun chảy quanh năm.

Theo thống kê của UBND xã Phú Mỡ, toàn xã có 5 thôn, trừ thôn Phú Hải và Phú Đồng ở trên cao không sản xuất được lúa nước, còn lại các thôn Phú Giang, Phú Lợi và Phú Tiến đều có ruộng lúa nước 2 vụ. Bà con đã có kinh nghiệm làm lúa nước, nên năng suất lúa bình quân đạt 55 tạ/ha/vụ”.

Ðể giúp bà con thay đổi cách làm ăn, từng bước tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa nước, Phòng NN-PTNT và Phòng Dân tộc huyện Đồng Xuân đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho bà con, kể cả đưa cán bộ khuyến nông cơ sở cùng ăn, cùng ở và hướng dẫn trực tiếp cho bà con. Với những thành công trong chương trình đưa lúa nước lên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Đồng Xuân đang tiếp tục mở rộng diện tích lúa nước thông qua việc xây dựng được hệ thống thủy lợi. Tuy nhiên, do điều kiện địa hình miền núi, các công trình thủy lợi như đập dâng tự chảy, trạm bơm thường không lớn, mỗi đập dâng chỉ tưới cho một số diện tích nhất định. Ông Nguyễn Văn Tri, Phó phòng phụ trách Phòng NN-PTNT huyện Đồng Xuân cho biết: “Huyện đang lập thủ tục chuẩn bị đầu tư công trình đập dâng Suối Cát, thôn Phú Hải (Phú Mỡ). Sau khi thỏa thuận với tình Bình Định về địa điểm xây dựng, huyện sẽ tiến hành bàn giao hồ sơ công trình cho Ban quản lý xây dựng cơ bản huyện để triển khai thi công”.

Thu-hoach130124.jpg

Bà con dân tộc thiểu số thu hoạch lúa vụ hè thu 2012 ở xã Ea Lâm (Sông Hinh) - Ảnh: M.NGUYỆT

MỞ RỘNG DIỆN TÍCH

Tại xã Suối Trai (Sơn Hòa), sau khi đưa vào sử dụng công trình cống tự chảy Suối Trai, vụ hè thu năm 2012 đã sản xuất 18ha lúa nước, năng suất bình quân 50tạ/ha. Trong thời gian đến huyện Sơn Hòa tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp hệ thống kênh mương nội đồng tại các xã Sơn Hà, Sơn Định và Sơn Long, đồng thời thành lập tổ quản lý khai thác công trình Trạm bơm điện buôn Lé, xã Krông Pa nhằm mở rộng diện tích trồng lúa nước, giúp đồng bào tự chủ được lương thực, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Còn tại buôn Quang Dù và Mả Vôi, xã Ðức Bình Tây (Sông Hinh), công trình sử dụng nguồn nước sau Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ có vốn đầu tư 6,1 tỉ đồng, với hệ thống kênh mương dài 4km phục vụ tưới cho 46ha lúa nước đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 cũng đã giúp bà con ổn định cuộc sống. Ông Nguyễn Ðình Phước, Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Ðức Bình Tây cho biết, sau khi đưa công trình sử dụng nước sau Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ vào hoạt động, đến nay bình quân mỗi hộ trong xã trồng từ 2 đến 3 sào lúa nước. Trồng được cây lúa, tự chủ được lương thực, bà con rất phấn khởi.

Cách đây 5 năm, diện tích lúa nước ở huyện miền núi Sông Hinh chỉ khoảng 400ha, đến nay đã hơn 1.200ha. Hiện mỗi xã của huyện Sông Hinh có từ 80 đến 110ha lúa nước. Ông Trần Thanh Định, Phó chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: “Nông dân trong huyện đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Không chỉ cây lúa nước, bà con đồng bào dân tộc thiểu số còn biết trồng sắn cao sản, bắp lai và các loại cây công nghiệp khác mang lại thu nhập cao”.

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek