Triển khai từ năm 2007, đến nay toàn tỉnh chỉ có 10 hợp tác xã (HTX) làm dịch vụ thu gom rác thải (môi trường), chiếm 4% tổng số HTX đang hoạt động trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện các HTX lại muốn “buông” dịch vụ này vì không mang lại lợi nhuận.
Năm 2013, xe công nông tự chế của HTX Hòa Trị 2 (Phú Hòa) không được chở rác đến bãi rác Thọ Vức (TP Tuy Hòa) - Ảnh: M.DUYÊN
THU KHÔNG ĐỦ CHI
Theo ông Võ Quang Hưng, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp An Ninh Tây (Tuy An), trước đây, vấn đề vệ sinh môi trường trên địa bàn xã rất phức tạp, do bà con phóng uế, vứt rác thải bừa bãi, ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống và sức khỏe nhân dân. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, UBND xã, năm 2008, Ban quản trị HTX triển khai dịch vụ thu gom rác thải, trích quỹ 300 triệu đồng mua xe tải loại trung làm phương tiện chuyên chở. Tổ thu gom rác thải được thành lập gồm 5 người (1 tài xế, 1 ứng trực tại bãi rác và 3 đi thu gom), với mức thu nhập từ 900.000-1,5 triệu đồng/tháng/người; được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trang bị bảo hộ lao động. Ban đầu, HTX vận động được 800 hộ tại 5 thôn đăng ký sử dụng dịch vụ với mức phí 4.000 đồng/hộ/tháng. Từ cuối năm 2011 đến nay, số hộ tham gia dịch vụ tăng lên 1.000 hộ, thế nhưng qua 4 năm triển khai, HTX vẫn lỗ 15 triệu đồng/năm.
Nghị định 04/2009 của Chính phủ quy định các HTX hoạt động về bảo vệ môi trường được hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó được hỗ trợ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện… nhưng đến nay, các HTX có triển khai dịch vụ môi trường ở Phú Yên hầu như không nhận được sự hỗ trợ từ phía chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Cũng theo ông Võ Quang Hưng, từ khi triển khai dịch vụ thu gom rác thải, đến nay, HTX Nông nghiệp An Ninh Tây chỉ được hỗ trợ 1 xe đẩy rác và 2 thùng đựng rác công cộng. Có được sự hỗ trợ ít ỏi này là do Phòng TN-MT huyện Tuy An chọn HTX làm điểm triển khai mô hình thu gom rác thải tại địa phương.
Còn theo ông Trần Văn Hùng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Trị 1 (Phú Hòa), lãnh đạo xã rất quan tâm tới hoạt động thu gom rác thải của HTX, nhưng chỉ dừng lại ở việc động viên về tinh thần chứ chưa có sự hỗ trợ về mặt vật chất. Trong khi đó, các HTX hiện hoạt động như một doanh nghiệp, tức là tự hoạch toán trong thu chi; tự bỏ vốn mua phương tiện, chi trả lương công nhân, bảo dưỡng máy móc… nhưng mức phí chỉ được áp dụng đối với đơn vị hoạt động công ích “lấy thu bù chi”.
Ông Lê Luân, Chủ tịch Liên minh HTX Phú Yên cho biết, trong năm 2012 Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Sở TN-MT, tổ chức 2 lớp tập huấn cho 70 cán bộ xã viên nâng cao kiến thức về bảo vệ môi trường và hỗ trợ 33 thùng chứa rác loại 120 lít cho các HTX có triển khai dịch vụ môi trường. Sự hỗ trợ còn rất hạn chế, khiến các HTX luôn trong tình trạng thu không đủ chi. Việc bù lỗ kéo dài trong nhiều năm qua đã gây không ít khó khăn cho các HTX trong quản lý, tăng nguồn vốn hoạt động. Thời gian tới, các HTX rất cần sự quan tâm của chính quyền các địa phương, các ban ngành liên quan để có điều kiện tiếp tục duy trì dịch vụ này.
CHƯA CÓ HƯỚNG GIẢI QUYẾT
Hiện toàn tỉnh có 8/10 HTX sử dụng xe công nông, xe tự chế để chở rác đến bãi tập kết. Trong khi đó, thực hiện Nghị định 32 của Chính phủ về đảm bảo an toàn giao thông thì cấm lưu thông đối với loại phương tiện này trên các đường tỉnh và quốc lộ, đã gây thêm khó khăn đối với các HTX làm dịch vụ môi trường.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Trị 2 (Phú Hòa) cho biết, với mức phí 4.000 đồng/hộ/tháng, HTX nào khéo vận động tuyên truyền bà con thì doanh thu hàng năm đủ để lấy thu bù chi. Tại HTX Hòa Trị 2, năm 2012, sau khi lấy ý kiến cổ đông về việc tiến hành thu mức phí 5.000 đồng/hộ/tháng; với 2.090 hộ sử dụng dịch vụ môi trường, HTX đã thu hơn 125 triệu đồng, trong khi đó tổng chi đã lên tới 123,7 triệu đồng. Thời gian tới, 5 xe công nông tự chế của HTX để chở rác đến bãi rác Gò Đỗ trong thôn không thể lưu hành, vì bãi rác này đã quá tải, buộc HTX phải chuyển rác đến bãi rác Thọ Vức (TP Tuy Hòa). Hành trình vận chuyển rác đến bãi rác Thọ Vức xa hơn, trong khi xe công nông tự chế thì không được phép tham gia giao thông, nên HTX không biết phải tính toán như thế nào. “Mặc dù, khi triển khai dịch vụ môi trường, Ban quản trị HTX xác định đây là dịch vụ công ích hoạt động vì cộng đồng, nhưng cũng không thể duy trì được do thu không đủ chi”, ông Hồng nói.
Theo Liên minh HTX Phú Yên, trong năm 2013, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với Sở TN-MT tiến hành khảo sát xây dựng đề án bảo vệ môi trường tại các HTX; đồng thời tổ chức các lớp tập huấn cho các HTX tại huyện Tây Hòa và Phú Hòa, hỗ trợ 35 thùng rác, chọn HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hòa Trị 2 và An Ninh Tây đi tham quan học hỏi mô hình xử lý rác thải thành phân vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp tại HTX Điện Quang (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) nhằm tái chế rác thải, tạo thêm nguồn thu cho HTX.
BẠCH VÂN