Năm 2012, sản xuất công nghiệp của Phú Yên tăng trưởng chậm lại do hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn vì sức tiêu thụ giảm, hàng tồn kho lớn, giá cả nguyên, nhiên liệu tăng, khó tiếp cận các nguồn vốn vay… Đây là những vấn đề đang được tỉnh tập trung giải quyết để thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển mạnh hơn trong năm 2013.
Ngành Điều đang gặp khó, lượng hàng tồn kho lớn do không thể xuất khẩu - Ảnh: N.XUÂN
NHIỀU NGÀNH GẶP KHÓ
Trong những năm gần đây, sản xuất công nghiệp Phú Yên có xu hướng chững lại. Năm 2011, giá trị của ngành này tăng 17% so năm trước, thì năm 2012 chỉ tăng 13,4% so năm 2011. Sự tăng trưởng của ngành sản xuất công nghiệp chưa đạt kế hoạch, xuất phát từ tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế toàn cầu còn do sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp chưa cao; hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp địa phương chưa thoát khỏi khó khăn.
Năm 2012, các doanh nghiệp của Phú Yên mà hầu hết là doanh nghiệp nhỏ và vừa càng bộc lộ rõ những yếu kém khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, thị trường tiêu thụ hạn hẹp… Để giúp các doanh nghiệp ổn định và phát triển, trong năm UBND tỉnh đã nhiều lần tổ chức gặp mặt, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ những tồn tại, vướng mắc; chỉ đạo các ngành, địa phương triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 13/NQ-CP ngày 10/5/2012 của Chính phủ. Nhờ vậy, nhiều doanh nghiệp vẫn ổn định sản xuất, một số sản phẩm chủ lực của tỉnh tăng khá như: tinh bột sắn tăng 43%; đường kết tinh các loại tăng 4,8%; thuốc viên các loại tăng 20,2%; hàng may mặc tăng 13,9%...
Tuy vậy, nhiều ngành sản xuất vẫn chưa thể vượt qua khó khăn, như các ngành sản xuất hàng xuất khẩu, nhất là thủy sản và chế biến nhân hạt điều nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh chỉ trong năm 2012 đạt 145,2 triệu USD, chỉ bằng 76,3% so năm trước. Trong năm, sản lượng đánh bắt thủy sản của tỉnh đạt 49.600 tấn các loại, tăng 9,5% so với cùng kỳ, nhưng do việc tiếp cận các nguồn vốn vay khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thủy sản đều thiếu vốn lưu động để thu mua nguyên liệu nên sản lượng chế biến thủy sản đưa vào chế biến chỉ đạt 3.750 tấn, giảm gần 18,2% và giá trị xuất khẩu cũng giảm 7% so với năm 2011. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất nhân hạt điều xuất khẩu mặc dù đã chuẩn bị nguồn nguyên liệu đáp ứng nhu cầu xuất khẩu nhưng do giá nhân hạt điều xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt là ở thị trường truyền thống Trung Quốc, nên hàng tồn kho lớn. Do thị trường điều không ổn định, khó tìm đầu ra nên một số doanh nghiệp điều chuyển sang gia công cho các công ty lớn. Do vậy, ngành sản xuất điều giảm mạnh cả về sản lượng xuất khẩu, giảm 13,9% so năm trước. Theo thống kê của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Phú Yên, tính đến tháng 11/2012, giá trị hàng tồn kho của các doanh nghiệp điều Phú Yên đã lên đến 1.200 tỉ đồng. Trong khi đó, hệ thống kho bãi không đảm bảo nên nguy cơ hàng hóa bị mất phẩm chất rất cao. Nợ quá hạn của 12 doanh nghiệp chế biến điều trên địa bàn tỉnh lên đến 700 tỉ đồng.
Ngoài ra, ngành sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác mỏ cũng gặp nhiều khó khăn vì sản phẩm không bán được do thị trường bất động sản trầm lắng, nhu cầu xây dựng không nhiều. Trong khi đó, chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp trong ngành.
TIẾP SỨC DOANH NGHIỆP
Nhằm đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp và dịch vụ, năm 2013, UBND tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng của ngành Công nghiệp – Xây dựng là 14,2% và ngành Dịch vụ là 14,5% so với năm 2012; trong đó giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,5%. Để đạt mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đề ra một số giải pháp quan trọng như: tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất; tạo điều kiện cho các dự án công nghiệp sớm hoàn thành, đi vào sản xuất; đồng thời chú trọng thu hút đầu tư hình thành các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, công nghiệp có giá trị gia tăng cao; phát triển các cơ sở sản xuất nhỏ và vừa với ngành nghề đa dạng, nhất là ở nông thôn; chú trọng nâng cao chất lượng và phát triển thêm một số mặt hàng xuất khẩu mới; đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, hỗ trợ khôi phục phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp.
Ông Hoàng Trọng Trọng, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: ngành Công thương xác định, việc tăng cường tiếp sức cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn để ổn định sản xuất trong năm 2013 và các năm tiếp theo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh đề ra một số giải pháp như tiếp tục đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất; hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút những ngành công nghiệp hiện đại; đầu tư công nghệ sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm và chinh phục các thị trường mới… Trước mắt, Sở Công thương tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tạo điều kiện để các doanh nghiệp lựa chọn những lĩnh vực đầu tư theo đúng định hướng, tạo thêm sản phẩm mới và tạo sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Ngành Công thương cũng tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, tránh những rào cản thương mại, hỗ trợ về tự vệ và trợ cấp trong WTO; cung cấp, giới thiệu, quảng bá thông tin về doanh nghiệp, các ngành hàng, sản phẩm chủ lực của tỉnh nhằm giúp doanh nghiệp tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu. Thông qua website ngành, Sở Công thương thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin về thị trường thế giới, những cơ hội hợp tác kinh doanh; phổ biến chính sách, rào cản của các nước đối với hàng xuất khẩu Việt Nam để có giải pháp hỗ trợ.
NGÔ XUÂN