Mùa kinh doanh cuối năm thường là cơ hội cho các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay. Tuy nhiên, so với những năm trước, năm nay, dù các ngân hàng thương mại đã áp dụng một số chính sách linh hoạt, cho vay với lãi suất ưu đãi nhưng nhu cầu vốn của khách hàng đến thời điểm này vẫn không tăng nhiều.
Khách hàng làm thủ tục vay vốn tại Vietcombank Phú Yên - Ảnh: L.HẢO
VẤT VẢ TÌM KHÁCH HÀNG
Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) chi nhánh Phú Yên cho biết: Những năm trước, vào thời điểm cuối năm, nhu cầu vốn tăng, các doanh nghiệp cần vay để chuẩn bị sản xuất, kinh doanh phục vụ dịp tết. Khi đó, “bài ca thanh khoản” đến hẹn lại lên, ngân hàng phải lo chạy từng đồng nên thường hạn chế cho vay. Thế nhưng, năm nay thì ngược lại, nguồn vốn ngân hàng rất dồi dào trong khi đầu ra lại gặp khó. Hiện VietinBank Phú Yên đáp ứng đầy đủ nhu cầu vay của doanh nghiệp; đặc biệt, khách hàng thuộc 4 nhóm ưu tiên là nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ còn được vay vốn với lãi suất thấp. Ngân hàng cũng có nhiều gói tín dụng ưu đãi cho các khách hàng tốt, vay - trả đúng hạn, có phương án kinh doanh hiệu quả, mục đích sử dụng vốn rõ ràng được vay với lãi suất chỉ 10-10,5%/năm. Tuy nhiên, vì sức cầu của nền kinh tế giảm sút, nhu cầu vay vốn phục vụ mùa kinh doanh tết năm nay vì vậy cũng giảm hơn 40% so với những năm trước. Theo ông Lĩnh, hiện khách hàng tính toán rất kỹ, có kế hoạch kinh doanh bám sát nhu cầu tiêu thụ của thị trường chứ không còn tâm lý đầu cơ như trước. Khách hàng cá nhân cũng cắt giảm chi tiêu chứ không mạnh tay vay tiền để mua sắm, chi dùng vào dịp cuối năm. Nền kinh tế đến thời điểm này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, ngân hàng phải vất vả trong việc tìm khách hàng, thậm chí tìm đến tận nơi năn nỉ nhưng người vay vẫn không có nhu cầu.
Đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Phú Yên cũng cho hay: Năm nay, khách hàng rất ngại vay vốn, nhất là những người làm ăn thực sự vì đầu ra thị trường chưa phục hồi, doanh nghiệp chỉ hoạt động cầm chừng để nghe ngóng thị trường. Mặt khác, doanh nghiệp cho rằng lãi suất ngân hàng, dù đã hạ từ 5-8% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn còn khá cao so với mức họ có thể chấp nhận được. Mức tăng trưởng năm nay của BIDV Phú Yên, chúng tôi phải cố gắng lắm mới hoàn thành suýt soát kế hoạch. Nhiều khách hàng luôn kỳ kèo hạ lãi suất hơn nữa họ mới đồng ý vay nhưng việc hạ lãi suất cho vay liên quan nhiều đến lãi suất huy động. Với mức trần huy động 9%/năm cho các kỳ hạn dưới 12 tháng như hiện nay, ngân hàng muốn hạ lãi suất hơn nữa cũng khó.
CHƯA CÓ NHU CẦU VAY
Theo một số ngân hàng thương mại, thường thì mùa cho vay kinh doanh cuối năm bắt đầu từ giữa tháng 10, đầu tháng 11 nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn chưa nghĩ đến chuyện đi vay sản xuất, kinh doanh. Bà Lương Thị Dung, tiểu thương ở chợ Tuy Hòa cho biết: Mấy năm trước, đến thời điểm này là bán không kịp thở, đại lý đến lấy hàng nhiều, người tiêu dùng cũng đổ xô đi mua sắm. Năm nay, kinh doanh eo sèo, gần đến tết mà buôn bán rất ế ẩm, hàng hóa không chạy, nhu cầu thị trường không có nên cũng không cần thiết phải vay vốn để trữ hàng như trước. Bà Ngô Thị Thanh, chủ DNTN Tân Thanh (TP Tuy Hòa) thì than thở: “Bao nhiêu năm buôn bán, chưa năm nào tôi thấy khó khăn như năm nay. Trước kia, mỗi đợt trữ hàng tết, doanh nghiệp cần đến 10 tỉ đồng; gần cuối năm dương lịch, chúng tôi đã phải chuẩn bị tiền bạc, “tung quân” nghiên cứu thị trường để đáp ứng nhu cầu của các đại lý. Năm nay, nhu cầu tiêu thụ bia và nước giải khát giảm mạnh, các đại lý không muốn trữ hàng nên doanh nghiệp cũng chưa đả động gì đến việc vay vốn cuối năm”. Còn theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên (PYFINCO), năm nay, doanh nghiệp cần khoảng 500-700 triệu đồng để vừa sản xuất, vừa dự trữ hàng bán tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sức mua của thị trường chưa có gì sôi động.
Hiện nay, mặc dù ngân hàng đang cần khách vay nhưng cũng không vì thế mà các tổ chức tín dụng nới lỏng điều kiện xét duyệt hồ sơ vay vốn. Vì vậy, theo một số ngân hàng thương mại, vấn đề khó khăn nhất vẫn là tìm được khách hàng đáp ứng đủ tiêu chuẩn để cho vay. Đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu sản xuất, trữ hàng, nhất là những sản phẩm phục vụ mùa kinh doanh cuối năm nhưng hết hạn mức tín dụng thì ngân hàng vẫn sẵn sàng cho vay với điều kiện doanh nghiệp phải bổ sung thêm tài sản đảm bảo. Ngân hàng cũng sẽ xem xét quy mô hoạt động, kế hoạch kinh doanh cũng như những tài sản thế chấp của doanh nghiệp để điều chỉnh hạn mức tín dụng vào đầu năm 2013. Nhiều lãnh đạo ngân hàng thương mại khẳng định: Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, nếu khách hàng có nhu cầu vay đột biến, ngân hàng vẫn đảm bảo đủ vốn để đáp ứng.
LÊ HẢO