Để Phú Yên phát triển nhanh hơn, nền kinh tế phải chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng nâng cao tỷ trọng các ngành công nghiệp, dịch vụ trong GDP. Để là được điều đó, trong thời kỳ hội nhập, nền kinh tế Phú Yên vừa phải phát triển bền vững, vừa phải tạo được sự đột phá.
NHIỀU THÁCH THỨC
Một trong mười sự kiện nổi bật năm 2006 được giới báo chí Phú Yên bầu chọn là sự kiện năm 2006, nền kinh tế Phú Yên tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 11,6% so năm trước. Đây là năm thứ năm liên tiếp, GDP Phú Yên tăng trưởng trên mức 10%.
Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi tại nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô JRD. (Ảnh: Kim Sa) |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Chi: Nền kinh tế Phú Yên tuy đạt tốc độ tăng trưởng cao nhưng chưa thật sự bền vững, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp.
Trong sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi còn chậm, thiếu bền vững; chưa tạo được sự chuyển biến rõ nét về năng suất, sản lượng; nghề khai thác thủy sản xa bờ gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp. Sản xuất công nghiệp tuy tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá nhưng chưa ổn định; một số ngành sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến tăng trưởng chậm; sức cạnh tranh, uy tín trên thị trường của nhiều sản phẩm còn thấp.
Đây là những khó khăn lớn mà năm 2007, tỉnh Phú Yên phải tiếp tục đối mặt. Cùng với những khó khăn này, biến động của giá cả thị trường, dịch cúm gia cầm, thiên tai…luôn là những nguy cơ thường trực tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Bước vào năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của tổ chức Thương mại thế giới (WTO) sẽ làm cho quá trình hội nhập kinh tế quốc tế gắn với tự do hóa thương mại được đẩy nhanh, tạo cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và thu hút đầu tư, tăng khả năng tiếp cận với công nghệ tiên tiến, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Đây sẽ là một cuộc chạy đua thật sự. Trong cuộc chạy đua này, Phú Yên gặp nhiều bất lợi do: Các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế còn hạn chế, tỉnh chưa có những nguồn thu lớn và ổn định, vốn dành cho đầu tư phát triển không đáp ứng được yêu cầu. Thiếu đội ngũ cán bộ có trình độ quản lý giỏi, lao động có trình độ kỹ thuật cao.
Trong khi đó, so sánh với các tỉnh trong khu vực, như: Thừa Thiên Huế có khu kinh tế Chân Mây-Lăng Cô, Quảng Nam có Chu Lai, Quảng Ngãi có Dung Quất, Bình Định có Nhơn Hội và Khánh Hoà có Vân Phong…thì Phú Yên chưa có một dự án kinh tế lớn nào được trung ương đầu tư.
CHÚ TRỌNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Trong triển khai thực hiện các Chương trình hành động của Tỉnh uỷ, Bí thư Tỉnh uỷ Đào Tấn Lộc đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Chương trình hành động của Tỉnh uỷ về chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp và nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2006-2010.
Trong chương trình phát triển kinh tế các nhà lãnh đạo Phú Yên đặc biệt quan tâm đến hiệu quả phát triển nông nghiệp, bởi nông dân chiếm phần lớn trong dân số và nông nghiệp chiếm một tỷ trọng lớn trong nền kinh tế. Hơn nữa, sản phẩm nông nghiệp ( bao gồm cả nông – lâm – ngư nghiệp) sẽ gặp nhiều thử thách lớn sau khi Việt
Chính vì thế, trong năm 2007, Phú Yên xác định: Tập trung tăng tỷ trọng chăn nuôi, dịch vụ trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản xuất sản phẩm có chất lượng để xuất khẩu. Đầu tư thâm canh tăng năng suất cây công nghiệp; từng bước phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung chất lượng cao, an toàn, gắn với việc chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản để nâng cao giá trị sản phẩm.
Đặc biệt, trong thuỷ sản, tiếp tục rà soát bổ sung quy hoạch và xây dựng mới quy hoạch chi tiết các vùng nuôi tập trung, quy hoạch phát triển một số vùng nguyên liệu ổn định cho chế biến xuất khẩu. Ngăn chặn tình trạng phát triển nuôi trồng thuỷ sản tự phát, ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái. Tập trung chuyển dịch cơ cấu nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, nuôi hiệu quả và bền vững trên cả 3 vùng nước (mặn, lợ, ngọt). Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao giống có chất lượng, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho nông dân. Khuyến khích đầu tư chế biến và xuất khẩu thuỷ sản gắn với phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Trên cơ sở quy hoạch, dự báo ngư trường để tổ chức, sắp xếp lại nghề đánh bắt trên biển cho hợp lý và có hiệu quả. Tổ chức lại tàu thuyền, nhất là trang bị phương tiện thông tin liên lạc, để vừa khai thác có hiệu quả, vừa đảm bảo an toàn trên biển. Đánh bắt cá ngừ đại dương đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.
Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế. Khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cung ứng vốn và đầu tư phát triển sản xuất vùng nông thôn. Củng cố và phát triển các làng nghề, hỗ trợ đào tạo nghề, tìm kiếm thị trường, nhằm tạo động lực thúc đẩy ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến nông-lâm-thuỷ sản, coi đây là mặt hàng chủ lực hướng đến xuất khẩu.
THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN KINH TẾ LỚN
Cuối năm vừa qua, tại buổi làm việc với Đoàn cán bộ cấp cao của Đảng do đồng chí Trương Tấn Sang, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng dẫn đầu, UBND tỉnh đã đề nghị Trung ương cho phép Phú Yên triển khai các dự án lớn của tỉnh. Trước mắt là 2 dự án: Khu du lịch liên hợp cao cấp và Khu kinh tế Nam Phú Yên.
Tàu cập cảng Vũng Rô. (Ảnh: Kim Sa) |
Dự án Khu du lịch liên hợp cao cấp được thực hiện ở phía bắc Thành phố Tuy Hoà. Kế hoạch của dự án này sẽ mở rộng nâng cấp sân bay Tuy Hòa, có đội máy bay nhỏ và trực thăng đưa khách từ TP Hồ Chí Minh, Hà Nội đến Phú Yên, từ sân bay đến đảo Hòn Chùa; xây dựng khu nghỉ dưỡng người già kèm Viện dưỡng lão hiện đại, đầu tư dội du thuyền và tàu biển hiện đại để đưa du khách tham quan dọc biển; đầu tư một khách sạn 5 sao trên biển và xây dựng cầu nối liền Gành Bà. Nếu dự án này dược thực hiện sẽ tạo ra một cú hích rất lớn cho du lịch Phú Yên phát triển.
Dự án Khu kinh tế Nam Phú Yên bao gồm khu đô thị mới nam TP Tuy Hòa trên diện tích 386 ha với các chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp bổ sung cho thành phố cũ. Hiện tại Khu kinh tế Nam Phú Yên đã có các công trình hạ tầng như cảng Vũng Rô, đường Phước Tân- Bãi Ngà, cầu Đà Nông, khu công nghiệp Hòa Hiệp 1, đang triển khai các dự án hạ tầng đô thị Nam Tuy Hòa - cảng Vũng Rô như cầu Hùng Vương, kè bờ nam Đà Rằng…
UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Trung ương chấp thuận đưa Khu kinh tế Nam Phú Yên vào quy hoạch các khu kinh tế giai đoạn 2006- 2010 và cho phép thành lập Khu kinh tế Nam Phú Yên, đồng thời cho phép khu kinh tế này được hưởng cơ chế tương tự như Khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất.
Ngoài hai dự án trên, UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo xúc tiến đầu tư, tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, đồng thời thúc đẩy các chủ đầu tư sớm triển khai một số dự án có quy mô lớn như: Dự án nhà máy lọc dầu, Nhà máy nhiệt điện, phong điện …
Rõ ràng, chỉ khi nào những dự án này được triển khai và đi vào hoạt động, thì mới tạo được động lực thúc đẩy các ngành công nghiệp, du lịch và dịch vụ phát triển nhanh hơn, mới giải quyết được một khối lượng việc làm lớn cho người lao động và tạo nguồn thu lớn cho ngân sách. Phú Yên mới có sự phát triển đột phá.
HIẾU NGỌC