Gần đây, tình trạng khai thác đất cao lanh trái phép tại các khu vực đồi núi thuộc khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) diễn ra khá phức tạp. Người dân địa phương lén lút khai thác loại khoáng sản này để bán lại cho một số doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và làm phụ gia phân bón, gây thất thoát tài nguyên khoáng sản, phá vỡ cảnh quan môi trường…
Người dân khai thác trái phép đất cao lanh tại khu vực đồi núi thuộc khu phố Chí Đức, thị trấn Chí Thạnh (Tuy An) - Ảnh: A.NGỌC
Hiện nay, mỗi ngày tại một số đồi núi ở khu phố Chí Đức có khoảng vài chục người dân dùng cuốc, xẻng, xà beng đào núi và dùng xe bò để vận chuyển đất cao lanh. Mỗi ngày, một người có thể khai thác từ 1,5-2 tấn đất cao lanh, bán với giá từ 70.000 - 90.000 đồng/tấn (tùy theo đất cao lanh sau khi phơi ướt hay khô) cho những cơ sở chuyên sản xuất sản phẩm cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản, làm phụ gia trong phân bón tại địa phương và TP Tuy Hòa đến đây thu mua.
Một số người dân ở đây cho biết, do loại khoáng sản này dễ khai thác, có nhiều doanh nghiệp mua, bán được khá nhiều tiền so với ngày công lao động phổ thông, chỉ khai thác trên diện tích đất nương rẫy của họ nên những người khai thác đất cao lanh trái phép bất chấp sự ngăn cấm của chính quyền địa phương, các ngành chức năng và nguy cơ đất, đá từ trên núi cao đổ xuống. Họ đào bỏ lớp đất mặt, sau đó khai thác đất cao lanh đã tạo thành những mái ta luy cao khoảng 10-15m và nhiều hố sâu 5-7m. Đất cao lanh khai thác trái phép được phơi ngay trên mặt các hố đào, trên vỉa hè, dưới lòng đường số 2 (đường Trần Phú nối dài) thuộc khu phố Chí Đức sau đó đóng bao và vận chuyển đi bán.
Theo UBND huyện Tuy An, khi đơn vị thi công đào lấy lớp đất mặt ở khu vực đồi núi thuộc khu phố Chí Đức để san lấp mặt bằng công trình sân vận động của huyện thì người dân phát hiện ở đây có đất cao lanh với trữ lượng lớn. Tình trạng khai thác trái phép đất cao lanh ở đây đã diễn ra từ đầu năm nay, UBND thị trấn Chí Thạnh cùng đội công tác liên ngành của huyện nhiều lần kiểm tra, xử lý nhưng vẫn thỉnh thoảng tái diễn. Ông Nguyễn Xuân Khiêm, Trưởng phòng TN-MT huyện Tuy An cho biết: Đội công tác liên ngành của huyện đã phối hợp với UBND thị trấn Chí Thạnh nhiều lần tổ chức kiểm tra, kiến nghị UBND huyện xử lý vi phạm hành chính đối với một số cơ sở sử dụng đất cao lanh sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và làm phụ gia trong phân bón có sai phạm. UBND huyện cũng đã xử lý HTX Nông nghiệp thị trấn Chí Thạnh cho các cơ sở sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản và làm phụ gia trong phân bón thuê mặt bằng không đúng quy định, đồng thời yêu cầu HTX này chấm dứt việc cho thuê sân kho. Còn khi đội công tác liên ngành của huyện kiểm tra những khu vực khai thác thì những người tham gia khai thác bỏ chạy, để lại hiện trường nhiều dụng cụ dùng đào xúc đất và nhiều bao chứa đất cao lanh. Đội công tác liên ngành lập biên bản và giao cho UBND thị trấn Chí Thạnh xử lý theo quy định của pháp luật. Khó khăn nhất hiện nay là hầu hết các cơ sở sử dụng đất cao lanh để sản xuất sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản hoặc làm phụ gia trong phân bón trên địa bàn huyện mới chỉ có giấy phép kinh doanh, không có giấy phép khai thác nên các cơ sở này phải lén lút thu mua từ người dân khai thác trái phép do đó việc quản lý rất khó khăn.
Ông Nguyễn Phụng Ngoạn, Phó chủ tịch UBND huyện Tuy An, cho biết: Công ty cổ phần Phân bón hóa sinh thuộc Tổng cục Công nghiệp quốc phòng (Bộ Quốc phòng) đang làm thủ tục xin thăm dò, khai thác khoáng sản đất cao lanh tại khu phố Chí Đức. Trong khi chờ các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND huyện Tuy An đã chỉ đạo Phòng TN-MT, lực lượng quản lý thị trường phối hợp với UBND thị trấn Chí Thạnh tăng cường công tác tuyên truyền và kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép.
ANH NGỌC