Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trong tháng 11/2012 do Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại (Sở Công thương) phát động, thu hút nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tham gia. Chương trình đã đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân các huyện Sông Hinh, Tây Hòa và Đồng Xuân.
Người dân xã Ea Ly náo nức chọn mua hàng Việt - Ảnh: N.XUÂN |
Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” trong tháng 11/2012 đã nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của người tiêu dùng. Tại điểm bán hàng xã Ea Ly (Sông Hinh), hàng trăm người dân tập trung từ sáng sớm để tham quan, mua sắm. Đợt này có sự góp mặt của gần 20 doanh nghiệp, trong đó nhiều đơn vị lần đầu tiên tham gia bán hàng lưu động như Doanh nghiệp cây giống Ba Thi, DNTN Phúc Phong, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ và thương mại Hưng Phú, Công ty cổ phần IDP... Qua đó, các doanh nghiệp trong tỉnh được tiếp cận với người tiêu dùng ở khu vực nông thôn, miền núi. Bà Nguyễn Thị Thu Lan, HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ và thương mại Hưng Phú cho biết: “Khi trực tiếp bán hàng, chúng tôi nắm được nhu cầu, thị hiếu tiêu dùng của người dân nông thôn, miền núi. Những sản phẩm hàng Việt Nam có chất lượng cao, giá rẻ luôn được người dân ưa chuộng. Qua đợt bán hàng này, chúng tôi sẽ nghiên cứu hướng phát triển sản phẩm phù hợp thị hiếu của từng đối tượng người tiêu dùng”. Còn đối với Công ty cổ phần IDP thì phiên chợ hàng Việt lần này là dịp để giới thiệu, quảng bá thương hiệu, hình ảnh của doanh nghiệp. Anh Bùi Thanh Huy, nhân viên bán hàng của công ty này cho biết: “IDP là đơn vị đại diện của 4 dòng xe: Honda, Suzuki, SYM và Yamaha nhưng thời gian qua chúng tôi chỉ tập trung phát triển ở TP Tuy Hòa. Do vậy, mục tiêu của doanh nghiệp trong đợt này là quảng bá hình ảnh, thương hiệu của mình đến người tiêu dùng nông thôn, miền núi để có hướng mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Ngoài ra, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” lần này còn có sự tham gia của các đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông như Viettel, VNPT... Đối với các đơn vị này, khu vực nông thôn, miền núi là một thị trường còn nhiều tiềm năng để khai thác. Chị Nguyễn Thị Tuyết Minh, nhân viên VNPT Sông Hinh chia sẻ: Thời gian qua, VNPT Phú Yên liên tục tổ chức các đợt tuyên truyền, quảng bá các gói dịch vụ đến người dân các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, qua chương trình được tổ chức quy mô lần này, đơn vị đã góp phần quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm của mình trực tiếp đến khách hàng…
Phải khẳng định rằng, chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” giúp người tiêu dùng tiếp cận với nhiều loại hàng hóa, giá bán thấp hơn giá thị trường từ 5-10% và được hưởng các chương trình giảm giá, khuyến mãi của các doanh nghiệp. Chị Kpá Niên, ở xã Ea Bá (Sông Hinh) cho biết: Có đợt bán hàng lưu động này, tôi không phải xuống TP Tuy Hòa mua hàng. Tại đây, tôi mua được nhiều mặt hàng tiêu dùng cho gia đình. Các sản phẩm được bán với giá rẻ, hợp túi tiền và kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi. Thêm vào đó, tôi không phải lo mua phải hàng giả, hàng nhái. Còn anh Nay Y Mun, ở xã Ea Ly chia sẻ: Lần này, nhờ chương trình kéo dài đến tối nên tôi có thể đến đây mua hàng và xem văn nghệ sau khi đi làm rẫy về. Không chỉ người dân xã Ea Ly mà nhiều người dân các xã lân cận cũng tranh thủ đến điểm bán hàng lưu động để tham quan, mua sắm. Không khí rộn ràng, náo nức lan khắp khu vực phía tây huyện miền núi này.
Ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhằm tạo điều kiện cho người tiêu dùng mua hàng Việt, các doanh nghiệp trong tỉnh tham gia đều có chính sách điều chỉnh giá bán phù hợp với người tiêu dùng nông thôn. Giá các sản phẩm đều được điều chỉnh giảm từ 5-30% so với giá thị trường. Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” sẽ là cầu nối gắn kết giữa nhà sản xuất, kinh doanh với người tiêu dùng. Các mặt hàng tham gia phiên chợ hàng Việt lần này phù hợp với thị hiếu và nhu cầu của người tiêu dùng nông thôn, miền núi nên được người dân đón nhận. Hàng hóa khá đa dạng, phong phú, có chất lượng; có nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ và được niêm yết giá rõ ràng. Qua đó, các doanh nghiệp có dịp quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình; tạo cơ hội để các doanh nghiệp gặp gỡ, tìm hiểu và khai thác thị trường địa phương, thúc đẩy mạnh mẽ cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
NGÔ XUÂN