Hơn 18 năm qua, Câu lạc bộ (CLB) Dân số và phát triển thôn Phú Liên, xã An Phú (TP Tuy Hòa) không chỉ tuyên truyền việc sinh đẻ có kế hoạch mà còn gây quỹ tiết kiệm để nuôi bò phát triển kinh tế thôn.
Nhờ nguồn quỹ tiết kiệm mà gia đình ông Tạ Văn Tuyến giờ có 2 con bò, mỗi con trị giá trên 30 triệu đồng - Ảnh: T.HIẾU
LẬP QUỸ CLB
“Qua báo cáo của Hội Nông dân xã An Phú về mô hình CLB Dân số và phát triển tại thôn Phú Liên, chúng tôi đã kiểm tra và thấy CLB hoạt động rất hiệu quả, thiết thực. Vì vậy, hội lấy mô hình này để nhân rộng tại các xã khác. Hiện chúng tôi đang tìm hiểu thực tế tại xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) để thành lập CLB Trồng hành và CLB Nuôi nai”. (Chủ tịch Hội Nông dân TP Tuy Hòa Huỳnh Khắc Hiếu)
CLB Dân số và phát triển được thành lập từ năm 1994, với 12 thành viên. Những năm qua, các thành viên trong CLB không chỉ tuyên truyền cho người dân trong thôn về việc sinh đẻ có kế hoạch, nuôi dưỡng con cái ăn học thành tài mà còn gây quỹ tiết kiệm tạo vốn chăn nuôi bò để phát triển kinh tế. Ông Tạ Văn Tuyến (61 tuổi), Phó chủ nhiệm CLB, nói: “Khi mới thành lập CLB, đa số các thành viên đều có cuộc sống khó khăn. Khi xem chương trình truyền hình về hũ gạo tiết kiệm giúp người nghèo, chúng tôi nảy sinh ý tưởng mỗi tháng mỗi người góp quỹ 100.000 đồng để có vốn mua bò nuôi và được các thành viên thống nhất thực hiện ngay trong năm 1994. Tháng đầu tiên, mỗi thành viên đóng 400.000 đồng để người khó khăn nhất trong CLB mượn mua nghé, bắt đầu tháng thứ 2 trở đi, mỗi người đóng 100.000 đồng. Cứ thế đến nay, quỹ của CLB có trên 200 triệu đồng, mỗi năm các thành viên được vay 10 triệu đồng trong thời gian 20 tháng để mua bò nuôi, với lãi suất 0,5%/tháng, số tiền còn lại cho thành viên nào muốn vay thêm với lãi suất 1%. Nhờ vậy, hiện nhà nào cũng có ít nhất từ hai con bò trở lên, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng”.
Khi tạo ra nguồn quỹ tiết kiệm, CLB bầu ra Ban chủ nhiệm gồm: Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm, kế toán, thủ quỹ, kiểm soát viên, tổ trưởng giám sát để theo dõi, quản lý số tiền mà các thành viên trong CLB góp và vay hàng năm. Ban này hoạt động mà không nhận phụ cấp. Mỗi tháng CLB tổ chức sinh hoạt một lần để các thành viên đóng tiền tiết kiệm và công bố quỹ. Ngoài ra, hàng năm CLB trích 0,2% từ lãi suất 0,5% chi phí văn phòng phẩm, in ấn và cuối năm tổ chức tổng kết và mua quà tặng cho tất cả thanh niên trong thôn lên đường làm nghĩa vụ quân sự; thăm bệnh các thành viên trong CLB khi ốm đau; tặng quà trung thu cho các cháu thiếu nhi và phát thưởng sách, vở cho học sinh giỏi là con, cháu các thành viên.
MUA XE TẢI NHỜ... TIẾT KIỆM
Ban đầu mới đóng quỹ với số tiền nhỏ, nhiều người dân trong thôn cho rằng làm như vậy biết chừng nào có tiền để mua bò. Thế nhưng, theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, các thành viên trong CLB vẫn giữ đúng nguyên tắc đóng quỹ đều và hàng tháng phải sinh hoạt, bất chấp những lời “dị nghị” của người bên ngoài. Nhờ đó theo từng năm, nguồn quỹ lớn dần và các thành viên có nguồn tiền mượn năm sau nhiều hơn năm trước. Chị Lê Thị Kim Chi, thành viên CLB, nói: “Những năm trước nguồn quỹ chưa nhiều, vợ chồng tôi chỉ mượn được 4-5 triệu đồng về mua con nghé, còn bây giờ mỗi năm có thể mượn trên 10 triệu đồng. Nhờ có số tiền này mà vợ chồng tôi đã gầy được 5 con bò lai sind. Vừa rồi vợ chồng tôi bán bớt 4 con, thu hơn 80 triệu đồng, thêm tiền mua được chiếc xe tải nhẹ gần 120 triệu đồng để chở gạo, lúa, phân thuốc và ai thuê gì chở nấy. Cuộc sống hai vợ chồng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều, lại có điều kiện nuôi các con ăn học”.
Không chỉ vợ chồng chị Kim Chi, gia đình ông Tạ Văn Tuyến và gia đình bà Phạm Thị Hương, cùng nhiều hộ khác trong CLB cũng có cuộc sống ổn định từ việc đầu tư nuôi bò. Bà Hương nói: “Những năm qua, nhờ nguồn tiền tiết kiệm hàng năm mà vợ chồng tôi mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng từ việc nuôi bò. Hiện gia đình có 2 con bò lai sind có giá trên 60 triệu đồng”. Còn ông Tạ Văn Tuyến cho biết: “Theo quy định của CLB, các thành viên sau khi mượn tiền thì bắt buộc phải mua bò về nuôi ngay, không được lấy tiền này sử dụng vào mục đích khác. Dự kiến nguồn quỹ tiết kiệm này sẽ tổng kết vào năm 2015, sau đó những ai có nhu cầu thì tiếp tục gầy quỹ mới”.
TRUNG HIẾU