Hiện nay, nghề dệt chiếu Phú Hòa (xã Hòa Hiệp Trung) và Thọ Lâm (xã Hòa Hiệp Nam), huyện Đông Hòa vẫn sản xuất theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết. Nếu được quan tâm đúng mức, hai làng nghề này sẽ có cơ hội phát triển, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.
Người dân làng nghề dệt chiếu rất mong được hỗ trợ đầu tư máy dệt chiếu nhằm hiện đại hóa làng nghề - Ảnh: N.XUÂN
NGHỀ TRUYỀN THỐNG
Trên địa bàn huyện Đông Hòa hiện có gần 20ha trồng cói, làm nguyên liệu cho nghề dệt chiếu. Ngoài ra, địa phương này còn một số lớn diện tích trồng lúa và nuôi tôm bấp bênh, kém hiệu quả sẽ chuyển đổi sang trồng cói, tạo nguồn nguyên liệu dồi dào cho các làng nghề dệt chiếu. Hiện mỗi sào cói có thể thu nhập từ 1-2 triệu đồng/vụ.
Hai làng nghề dệt chiếu Phú Hòa và Thọ Lâm hiện có gần 600 hộ dân sinh sống bằng nghề truyền thống, mang lại thu nhập ổn định. Theo người dân ở đây, mặc dù nghề làm chiếu thủ công không đem lại thu nhập cao nhưng đã giải quyết được một lượng lớn lao động nông nhàn, chủ yếu là người già và phụ nữ. Bà Nguyễn Thị Ngàn, ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung cho biết: “Gia đình tôi có hơn một sào cói nên tranh thủ lúc rảnh, tôi dệt chiếu để kiếm thêm thu nhập. Trung bình mỗi ngày hai người làm được 2 đôi chiếu, thu được khoảng 250.000 đồng; tuy thu nhập không cao nhưng cũng phần nào giúp cải thiện đời sống”.
Tại làng nghề dệt chiếu Phú Hòa, việc đầu tư máy móc vào nghề dệt chiếu đã bắt đầu được bà con quan tâm. Chị Nguyễn Thị Đến ở thôn Phú Hòa, xã Hòa Hiệp Trung là người đầu tiên trong thôn mua máy dệt chiếu. Chị Đến cho biết: “Làm chiếu thủ công rất vất vả, hiệu quả thấp, sản phẩm lại khó cạnh tranh với chiếu của các nơi khác. Do vậy, năm 2010, gia đình tôi mua một máy dệt chiếu về làm thử thì rất hiệu quả. Hiện mỗi ngày một mình tôi làm được 5-6 cặp chiếu, gấp gần 10 lần so với làm chiếu thủ công”.
Hiện thị trường tiêu thụ chiếu đang rất rộng mở; ngoài thị trường của địa phương, chiếu Phú Hòa, Thọ Lâm còn được các thương lái ở các nơi đến thu mua tận nhà, chiếu làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy. Do vậy, rất nhiều người dân của 2 làng nghề này có nguyện vọng được hỗ trợ mua máy dệt chiếu.
CẦN SỰ ĐẦU TƯ, LIÊN KẾT
Mặc dù có tiềm năng nhưng hiện các làng nghề dệt chiếu ở huyện Đông Hòa vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Các hộ làm chiếu chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún theo từng hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các cơ sở trong quá trình sản xuất, tiêu thụ. Bên cạnh đó, các hộ dân chưa chú ý đầu tư cây giống, phân bón cho vùng nguyên liệu của địa phương nên chất lượng cói không cao, ảnh hưởng đến sản phẩm. Nhiều hộ dân mong muốn được hỗ trợ kinh phí mua máy dệt chiếu nhưng không có vốn. Chị Nguyễn Thị Đến bày tỏ: “Tôi rất mong được hỗ trợ kinh phí để đầu tư thêm máy móc, thành lập một tổ hợp sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chiếu Phú Hòa, đưa sản phẩm này ra các thị trường lớn hơn.
Hiện làng nghề dệt chiếu Phú Hòa và Thọ Lâm đang được xem xét, đánh giá để được công nhận làng nghề. Người dân của 2 làng nghề này đang rất háo hức chờ được công nhận để có điều kiện phát triển. Ông Trần Phú Sơn, Chủ tịch UBND xã Hòa Hiệp Trung cho biết: “Địa phương sẽ đề nghị đầu tư cơ sở vật chất như điện, đường, sân phơi, máy móc, quy trình công nghệ, mẫu mã sản phẩm và bao tiêu sản phẩm. Chúng tôi cũng chú trọng giống cây cói có chất lượng cao, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu; tạo sản phẩm tốt hơn, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng”.
Ngoài ra, huyện Đông Hòa cũng có định hướng thành lập tổ sản xuất đối với nghề dệt chiếu, tạo điều kiện cho bà con được ưu đãi vốn để phát triển sản xuất, gắn kết giữa các làng nghề dệt chiếu trong tỉnh, hỗ trợ nhau cùng phát triển.
NGÔ XUÂN