Trước tình trạng tái phát các ổ bệnh lở mồm long móng trên gia súc và nguy cơ dịch cúm gia cầm, tỉnh Phú Yên đang huy động nhiều nguồn lực tập trung quyết liệt để phòng chống dịch bệnh.
Tiêm phòng dịch bệnh LMLM cho heo - Ảnh: LY KHA |
CÁC Ổ BỆNH LMLM TÁI PHÁT
Từ ngày 12/9/2006, khi Phú Yên công bố hết dịch lở mồm long móng (LMLM) đến nay, nhiều ổ bệnh đã tái phát. Tại buôn Kít xã vùng sâu Sông Hinh thuộc huyện miền núi Sông Hinh, 122 con bò đã mắc bệnh vào cuối tháng 10/2006. Đến ngày 28/11/2006, trạm Thú y huyện Đồng Xuân phát hiện 4 con heo bị mắc bệnh LMLM tại Xuân Phước. Ngày 28/12/2006, ngành thú y phát hiện 16 con heo tại thôn Đông Lộc xã Hoà Thắng (huyện Phú Hòa) bị bệnh LMLM. Tiếp đó, ngày 27/12/2006, bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trên đàn heo 6 con tại gia đình ông Nguyễn Thạnh ở thôn Phú Phong xã An Chấn huyện Tuy An.
Theo ông Nguyễn Minh Hoà, Chi cục trưởng chi cục thú y, dịch bệnh LMLM trên đàn heo diễn biến rất phức tạp. Trước đây, do không tiêu huỷ triệt để nên đã lây lan sang đàn đại gia súc.
Tình trạng mua bán gia cầm sống vẫn chưa được kiểm soát – Ảnh: L.K |
Theo Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, đến nay đã có 29 ấp, khóm thuộc 9 huyện của ba tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu và Hậu Giang xuất hiện dịch cúm gia cầm. Các địa phương này đã tiêu huỷ hơn 13.700 con gia cầm trong vùng bị dịch. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết WB sẽ dành cho Việt Nam khoản viện trợ 10 triệu USD để ngăn chặn sớm dịch bệnh cúm gia cầm và điều trị những người đã nhiễm bệnh.
Trong khi đó, ông Hoa Kim Chung, Trưởng trạm Thú y huyện Sông Hinh, cho biết tình hình vận chuyển gia súc trái phép vẫn đang diễn ra và có chiều hướng ngày càng phức tạp thêm. Tuy nhiên, các đơn vị chức năng lại lúng túng trong cách xử lý. Theo ông Chung, nhiều trường hợp tạm giữ các xe tải vận chuyển gia súc số lượng lớn không có phiếu kiểm dịch động vật nhưng không thể tiến hành tiêu huỷ vì không có điểm tiêu hủy hoặc kinh phí hỗ trợ… Còn nếu lập biên bản tịch thu thì không có điểm nuôi cách ly, xử lý dịch bệnh trước khi đem bán đấu giá. Do đó, giải pháp duy nhất là chỉ xử lý hành chính và áp tải về nơi xuất phát. Sau đó, tình trạng này lại tiếp diễn.
QUYẾT LIỆT PHÒNG BỆNH DỊCH GIA SÚC, GIA CẦM
Đến nay, huyện Đông Hoà đã cơ bản hoàn tất công tác tiêu độc sát trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi gia cầm. Bên cạnh đó, Trạm Thú y huyện cũng đã phối hợp với đội quản lý thị trường trên địa bàn tăng cường kiểm tra tình trạng giết mổ, mua bán gia cầm tại các chợ. Đồng thời, Trạm Thú y cũng đang tiến hành thống kê đàn gia cầm toàn huyện để triển khai tiêm phòng vắc-xin cúm đợt 1 năm 2007, dự kiến sẽ triển khai trước Tết Nguyên đán. THANH HỘI
Tại hội nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm vào ngày 29/12/2006, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh Phú Yên Trần Thị Hà, chỉ đạo: Phát động tháng tiêu độc sát trùng từ 1/1/2007, tổ chức tiêu độc khử trùng môi trường tại những khu vực có nguy cơ cao, chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, chợ mua bán gia cầm… và phun hóa chất hai lần mỗi tuần. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh, hướng dẫn người chăn nuôi các biện pháp chăn nuôi an toàn; quyết liệt tổ chức tiêm phòng, những trường hợp không đồng ý tiêm phòng thì tiến hành thực hiện bắt buộc. Tỉnh cho phép thay đổi vị trí hai trạm kiểm dịch động vật hiện nay, tức dịch chuyển trạm Hảo Sơn lên đèo Cả để ngăn ngừa các trường hợp vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép đi theo đường Phước Tân – Bãi Ngà, dịch chuyển trạm kiểm dịch An Phú ra lại cầu Bình Phú (huyện Sông Cầu). Hai trạm này phải tổ chức hoạt động 24/24 giờ từ nay đến Tết Nguyên đán. UBND tỉnh cho phép mỗi huyện, thành phố thành lập đội cơ động liên ngành với lực lượng nòng cốt là thú y, công an, quản lý thị trường… Tùy tình hình cụ thể, các đội này phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết hợp lý các trường hợp vi phạm. Mỗi địa phương chọn một khu vực trong các chợ lập điểm mua bán gia cầm sống, xây dựng điểm giết mổ đảm bảo vệ sinh, dịch bệnh; tuyệt đối không cho phép việc mua bán, giết mổ tràn lan như hiện nay. Ngành nông nghiệp, thú y Phú Yên phối hợp với các tỉnh giáp ranh như Khánh Hoà, Bình Định… trong công tác ngăn chặn vận chuyển gia súc gia cầm từ vùng dịch. Chi cục Thú y Phú Yên tiến hành lấy 1.000-2.000 mẫu xét nghiệm cúm gia cầm. UBND các cấp được sử dụng kinh phí dự phòng chi cho công tác phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thị Hà cũng chỉ đạo các tổ chức, đơn vị, cá nhân khi thực hiện nhiệm vụ phòng dịch phải kiểm tra đúng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân vận chuyển, mua bán gia súc gia cầm đúng quy định.
Mọi thông tin về dịch bệnh gia súc, gia cầm người dân có thể gọi điện thoại đến số điện thoại đường dây nóng 057.800115 (không phải mất tiền).
LY KHA