Bên cạnh sự đa dạng, phong phú của nguồn tài nguyên thiên nhiên và lực lượng lao động, kinh nghiệm sản xuất tại chỗ, người dân vùng Nam Trung bộ - Tây nguyên thường xuyên gánh chịu thiên tai như nắng hạn, bão lụt rất khắc nghiệt.
Người dân Phú Yên đã biết khai thác tiềm năng đất đai để phát triển kinh tế VAC - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
Trong khi đó, trình độ phát triển giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và giữa các tiểu vùng trong cùng một tỉnh, thành phố không đồng đều, các nguồn vốn đầu tư còn thấp, thị trường đầu ra cho sản phẩm thiếu ổn định, sự phụ thuộc trong sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất kinh doanh nông nghiệp chưa thể khắc phục được. Trên mặt trận sản xuất nông nghiệp, bao gồm lâm nghiệp, thủy sản phát sinh nhiều mâu thuẫn. Tài nguyên đất, rừng, mặt nước chưa được đầu tư khai thác, lao động tại chỗ thiếu việc làm, đời sống bấp bênh, khoảng cách giàu nghèo nới rộng nhanh đến mức báo động.
Trong tình hình đó, phát triển kinh tế vườn ao chuồng (VAC) là một trong những biện pháp được hầu hết các địa phương trong vùng chú trọng. Kinh tế VAC đang bổ sung cả lượng và chất vào các chương trình mục tiêu sản xuất nông lâm thủy sản, tạo thêm thu nhập, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo ở nông thôn và vùng ven các đô thị.
Đến nay, tại 13 tỉnh, thành phố Nam Trung bộ - Tây Nguyên đã tận dụng, khai hoang, phục hóa, cải tạo vườn tạp, ao hoang, xây dựng trên 38.000 mô hình kinh tế VAC có quy mô khác nhau với tổng diện tích đất đai, mặt nước khoảng 34.500 ha, trong đó gồm:
- 11.500 mô hình VAC dinh dưỡng, có diện tích trung bình 1500 - 3000m2, trồng cây thực phẩm ngắn ngày, nuôi gia súc nhỏ, gia cầm phân tán bảo đảm có sản phẩm tiêu dùng thường xuyên và trao đổi mua bán tại chợ nông thôn.
- 13.000 mô hình kinh tế VAC quy mô 5.000m2 - 15.000m2, trồng cây thực phẩm, cây ăn quả, nuôi gia súc, gia cầm tập trung, nuôi cá nước ngọt, nuôi ếch, ba ba bằng sử dụng lao động trong gia đình kết hợp thuê mướn lao động thời vụ, sản xuất sản phẩm hàng hóa đạt lợi nhuận trung bình hàng năm 20 - 50 triệu đồng.
- 12.000 mô hình kinh tế VAC trang trại có diện tích 1,5ha trở lên thường xuyên sử dụng từ 10 đến 15 lao động. Những mô hình loại này nuôi gia súc qui mô lớn, trồng rừng, khai thác đầm vịnh nuôi trồng thủy sản, kết hợp công thức sản xuất VACR (vườn, ao, chuồng, rừng), đạt lợi nhuận hàng năm 50 - 100 triệu đồng.
Kinh tế VAC đã được ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo từng chu trình sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi, từ khâu chọn giống sản xuất giống cây, giống con, bảo vệ thực vật, thú y… đảm bảo an toàn sản xuất, phòng tránh được dịch bệnh.
Ở hầu hết các tỉnh, thành phố, trong đó tiêu biểu là Bình Định, Quảng Nam, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận, Lâm Đồng, Đắc Lắc… nhiều hộ dân làm kinh tế VAC xóa được đói giảm được nghèo, có nguồn thu để lo việc học hành cho con cái, mua được xe máy, đồ dùng gia đình. Kinh tế VAC còn có tác dụng kêu gọi một số người trước đây rời bỏ quê hương vào thành phố Hồ Chí Minh lao động kiếm sống hoặc bán vé số dạo trở về tham gia lao động sản xuất, có người đã ổn định dần cuộc sống.
Trước đây, địa bàn Nam Trung bộ chỉ tiêu thụ rau hoa Đà Lạt, trái cây từ miền nam, miền bắc, thì nay đã có sản phẩm tại chỗ được người tiêu dùng và khách du lịch chấp nhận. Nhờ sản xuất phát triển, đất đai lao động được tận dụng khai thác tạo ra không khí sinh hoạt, bàn chuyện làm ăn ở thôn, xóm hồ hởi, khởi sắc, cảnh quan nông thôn vừa xanh, sạch, đẹp, vừa đông vui.
Đến nay trong vùng không còn hộ bị đói (trừ trường hợp thiên tai, hộ nghèo đang thu hẹp dần một cách đáng mừng.
Thực tế sinh động thông qua lao động sản xuất, sinh hoạt, hội làm vườn nhiều tỉnh, huyện và cơ sở xã thôn đã liên kết, phối hợp với các tổ chức hội đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh cùng vận động làm kinh tế VAC, hưởng ứng chủ trương của Trung ương hội về “thi đua làm kinh tế VAC giỏi kết hợp với xây dựng tổ chức hội vững mạnh”.
Cũng từ thực tế sinh động, hiệu quả mà nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy trong vùng dành sự quan tâm bằng ra nghị quyết, chỉ thị tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với phát triển kinh tế VAC và xây dựng tổ chức hội, tạo điều kiện tinh thần, vật chất để kinh tế VAC không ngừng phát triển, hoàn thiện, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo tại mỗi địa phương, mỗi cơ sở.
NGUYỄN TƯỜNG THUẬT
Phó Chủ tịch Hội làm vườn Việt