Đây là một nội dung của dự thảo Nghị định về phân công, phân cấp quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ chủ sở hữu đối với DNNN.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10.
Chiều 28/10, trong khuôn khổ phiên họp thường kỳ tháng 10, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự thảo nghị định về phân công, phân cấp thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Dự thảo nghị định xác định rõ, Nhà nước đầu tư vốn, tài sản vào doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực, khâu then chốt, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội và quốc phòng, an ninh, làm nòng cốt để kinh tế nhà nước thực hiện được vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng, điều tiết nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ là cơ quan hành chính Nhà nước cao nhất, thống nhất quản lý và thực hiện chức năng chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp.
Dự thảo nghị định quy định cụ thể việc phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty TNHH một thành viên; doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối.
Ban hành nghị định riêng với từng tập đoàn
Dự thảo nghị định cũng quy định 8 quyền, trách nhiệm của Chính phủ đối với tập đoàn, tổng công ty 100% vốn Nhà nước.
Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, chuyển đổi sở hữu, giải thể công ty; quy định điều lệ của từng tập đoàn kinh tế nhà nước; quy định về bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, ký hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, khen thưởng, kỷ luật đối với chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc (giám đốc) công ty; quy định số lượng thành viên hội đồng thành viên, số lượng phó tổng giám đốc tập đoàn kinh tế nhà nước và các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khác; quy định chế độ quản lý tài chính, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ; chế độ báo cáo và công khai tài chính của công ty; cơ chế kiểm tra thực hiện.
Theo đó, Chính phủ sẽ phê duyệt nghị định riêng quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức… của từng tập đoàn, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý trong khi vẫn tạo điều kiện thuận lợi để tập đoàn phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình trong tổ chức hoạt động, sản xuất kinh doanh.
Một số tổng công ty có vai trò quan trọng, sản phẩm – dịch vụ ảnh hưởng lớn đến kinh tế – xã hội (như xăng dầu, lương thực, hàng không…) sẽ có thể có nghị định riêng như đối với các tập đoàn.
Chính phủ cũng nắm quyền quy định chế độ tuyển dụng, chế độ tiền lương, tiền thưởng của công ty; tiền lương, tiền thưởng và các quyền lợi khác của chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc (giám đốc) công ty; quy định cơ chế giao nhiệm vụ và tham gia thực hiện việc cung cấp và đảm bảo các sản phẩm, dịch vụ công ích, thiết yếu của nền kinh tế; quy định chế độ giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành pháp luật; việc thực hiện chiến lược, kế hoạch, mục tiêu, nhiệm vụ được giao, quản lý, sử dụng, bảo toàn và phát triển vốn; quy định tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ được giao, kết quả hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty; đánh giá chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, kiểm soát viên, tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc), kế toán trưởng công ty.
Thủ tướng Chính phủ nắm 4 quyền đối với Tập đoàn kinh tế
Dự thảo nghị định, quy định Thủ tướng Chính phủ nắm 4 quyền đối với tập đoàn kinh tế nhà nước.
Thủ tướng quyết định thành lập, mục tiêu, nhiệm vụ và ngành, nghề kinh doanh; việc tổ chức lại, chuyển, đổi sở hữu, giải thể và yêu cầu phá sản; phê duyệt đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước; phê duyệt chủ trương thành lập, tổ chức lại, giải thể chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị hạch toán phụ thuộc khác. Thủ tướng quyết định vốn điều lệ khi thành lập và điều chỉnh vốn điều lệ trong quá trình hoạt động.
Dự thảo nghị định quy định Thủ tướng quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, khen thưởng, kỷ luật đối với chủ tịch và thành viên hội đồng thành viên; quyết định cụ thể số lượng thành viên hội đồng thành viên, phó tổng giám đốc.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm của các tập đoàn.
Đối với các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do bộ, UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; phê duyệt đề án thành lập công ty con 100% vốn nhà nước của công ty do bộ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập, theo đề nghị của bộ, UBND cấp tỉnh; phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước (bao gồm cả đề án của tập đoàn kinh tế nhà nước) theo đề nghị của bộ quản lý ngành, UBND cấp tỉnh; quy định quy chế hoạt động của kiểm soát viên.
Theo Chinhphu.vn