Hiện nay là thời điểm thích hợp nhất cho công tác trồng rừng năm 2012. Ngành nông nghiệp đang tích cực triển khai công tác này ở các địa phương. Báo Phú Yên trao đổi với ông Cao Hữu Lộc, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh xung quanh vấn đề này.
Chăm sóc cây giống chuẩn bị cho mùa trồng rừng mới - Ảnh: T.HƯƠNG
* Xin ông cho biết ngành Nông nghiệp đã chuẩn bị gì cho công tác trồng rừng tập trung năm 2012?
- Mùa mưa đến, là thời điểm thích hợp nhất cho việc trồng rừng trong năm. Để trồng rừng, ngành Nông nghiệp, cụ thể là Chi cục Lâm nghiệp đã có sự chuẩn bị từ sớm. Đối với cây giống, các vườn ươm trong tỉnh đã gieo ươm được khoảng 5,8 triệu cây các loại và đang được kiểm tra cấp giấy chứng nhận nguồn gốc giống, lô cây con đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Việc dọn dẹp mặt bằng, phát dọn khu vực trồng rừng cho vụ trồng mới đã được các tổ chức, đơn vị và người dân chuẩn bị chu đáo.
Trong năm nay ngân sách Trung ương hỗ trợ 10 tỉ đồng, chỉ đủ để bảo vệ và chăm sóc các diện tích rừng đã trồng, không có kinh phí để trồng mới. Do vậy kinh phí phục vụ trồng rừng năm 2012 chủ yếu từ các nguồn vốn ODA, trồng lại rừng sau khai thác ừng trồng và vốn của các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân.
* Toàn tỉnh sẽ trồng bao nhiêu diện tích, sử dụng các loại cây trồng?
- Theo kế hoạch, trong năm 2012, tổng diện tích rừng trồng tập trung toàn tỉnh ước đạt khoảng 5.000ha, rải đều ở các địa phương trong tỉnh. Trong đó diện tích trồng rừng phòng hộ 250ha, trồng rừng sản xuất của các tổ chức khoảng 3.750ha, diện tích trồng rừng sản xuất của các hộ gia đình, cá nhân ước khoảng 1.000ha.
Giống cây trồng vẫn là các loại mọc nhanh, dễ trồng, dễ sinh trưởng trên đất đồi núi cao như keo lai, bạch đàn… Năm nay, tỉ lệ giống keo lai hom/mô, keo lá tràm, keo lai tượng, bạch đàn chiếm khoảng 82% tập trung ở diện tích trồng rừng sản xuất; tỉ lệ các loại cây gỗ lớn như: sao đen, xà cừ, phi lao… chiếm 18% chủ yếu ở các diện tích trồng rừng phòng hộ và trồng lại rừng sau khai thác.
* Công tác trồng rừng gặp khó khăn gì, hướng giải quyết ra sao, thưa ông?
- Khó khăn nhất trong công tác trồng rừng là nguồn vốn đầu tư cho phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tế. Hiện nguồn vốn cân đối từ Trung ương chỉ 15 triệu đồng/ha/4 năm, kinh phí hỗ trợ của địa phương không có. Trong khi đó nhu cầu kinh phí để thực hiện trồng rừng phòng hộ cần khoảng 30-35 triệu đồng/ha/4 năm. Ngoài ra, hiện trường trồng rừng ngày càng xa, hệ thống giao thông chưa được đầu tư nên việc vận chuyển cây giống, chăm sóc, bảo vệ… gặp nhiều khó khăn.
Trong những năm gần đây, việc sản xuất và sử dụng giống cây con đã được cải thiện, nhưng tình trạng sử dụng giống không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn còn tiếp diễn, nhất là ở một số vườn ươm nhỏ lẻ, phân tán trong nhân dân. Cơ quan chức năng khó giám sát, theo dõi. Một vấn đề xảy ra khi đến vụ trồng rừng mới đó là bà con nhân dân chưa chủ động lập kế hoạch trồng rừng nên thường xuyên bị động khi chuẩn bị giống cây con và đến mùa trồng rừng thường xuyên phải mua giống với giá khá cao, chất lượng không đảm bảo, khiến năng suất trồng rừng giảm từ 15-20%.
Để hỗ trợ cho cá nhân, hộ gia đình trồng rừng, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo Phòng NN-PTNT các huyện, thị xã, thành phố tham mưu cho các địa phương phổ biến tiêu chuẩn giống cây trồng lâm nghiệp trên địa bàn các địa phương. Kiên quyết loại bỏ, không đưa vào trồng các loại cây giống không rõ nguồn gốc, cây không đạt chất lượng và sản xuất không theo quy trình sản suất giống cây trồng lâm nghiệp. Ngoài ra để đạt hiệu quả cao nhất, ngành cũng khuyến cáo người dân nên tập trung trồng rừng dứt điểm trong tháng 10, nếu trồng muộn khả năng tỉ lệ cây sống sẽ giảm và sinh trưởng của cây sẽ chậm.
* Xin cảm ơn ông!
TUYẾT HƯƠNG (thực hiện)