Tỉ lệ hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại đang chiếm tới 70- 80% thị trường, uy tín hàng Việt trong mắt người tiêu dùng đang ngày một nâng cao. Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp tục giữ vị thế trong bối cảnh cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ ngoài nước đang là vấn đề đặt ra.
Bà Lê Việt Nga, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, đến hết năm 2012, cả nước sẽ có khoảng 698 siêu thị và 127 trung tâm thương mại (tăng khoảng 8,5% so với năm 2011). Trong khi đó, theo báo cáo tình hình bán lẻ tại Việt Nam năm 2011 của hãng nghiên cứu Nielsen, trên 83% người tiêu dùng được khảo sát cho rằng trong tương lai họ sẽ mua hàng Việt Nam nhiều hơn.
Siêu thị Co.op Mart Tuy Hòa luôn thu hút người tiêu dùng địa phương vì có hàng sản xuất trong nước phong phú - Ảnh: N.TRƯỜNG
CHIẾM ĐẾN 90% NHƯNG VẪN LO
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hiện nay trong hệ thống bán lẻ hiện đại, tỉ lệ hàng Việt rất khác nhau tùy theo từng loại hình bán lẻ và quy mô. Cụ thể, loại hình siêu thị và đại siêu thị hiện nay tỉ lệ hàng Việt chiếm tới 80-90%, điển hình trong số đó là các nhà bán lẻ như: Co.opmark, Vinatexmark,
Hapromark, Fivimark, Intimex, BigC…Trong khi đó, tại các cửa hàng đặc chủng, chuyên doanh điện máy như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Topcare... thì hàng Việt chỉ có chưa đầy 50% trong tổng số các mặt hàng bày bán.
Tuy nhiên, dù hàng Việt đang chiếm tỉ lệ cao trong hệ thống phân phối bán lẻ, nhưng nếu xét kỹ bản chất thì có thể thấy tỉ lệ này đang thiếu tính bền vững, nguy cơ bị người tiêu dùng thất sủng, bị các đối thủ hàng nhập khẩu soán ngôi đang hiện hữu. Tuy chiếm tỉ lệ cao nhưng hàng Việt mẫu mã đơn điệu, chưa có sản phẩm nào mang tính sang trọng bền đẹp, giá cả chưa thật sự rẻ nếu so với hàng hóa cùng loại có xuất xứ Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các nhà sản xuất lớn thường chọn cho mình đại lý cấp 1, cấp 2 là nhà phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường mà không lấy hệ thống siêu thị là nhà phân phối, vì vậy siêu thị phải lấy hàng từ đại lý nên giá bán ra vô tình đã phải cộng thêm lãi của đại lý. Ngoài ra, việc cung ứng hàng hóa còn qua quá nhiều khâu trung gian nên giá hàng hóa thường bị cộng thêm các chi phí trước khi đến tay người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, hệ thống bán lẻ hiện nay chưa coi trọng vai trò liên kết để hình thành các kênh lưu thông phân phối ổn định nên vẫn mang tính kinh doanh cơ hội, lợi trước mắt. Thậm chí, vẫn còn tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng khuyến mại để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.
CẦN CHIẾN LƯỢC DÀI HƠI
Các chuyên gia cho rằng, để tiếp tục phát triển và nâng cao hơn tỉ lệ hàng Việt trong hệ thống phân phối, chắc chắn phải có một chiến lược lâu dài, ổn định và phải đi từ gốc của vấn đề. Trong đó, các cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Công thương cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại để đạt được mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến 2030, đưa tỉ trọng bán lẻ từ khoảng 20% hiện nay lên 40% vào năm 2020.
Các doanh nghiệp cho rằng, để thúc đẩy việc kinh doanh trong hệ thống bán lẻ hiện đại, Chính phủ cần nghiên cứu đưa ra cơ chế chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp về địa điểm kinh doanh,
vay vốn ưu đãi… tạo điều kiện phát triển hệ thống phân phối và quan trọng hơn là nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Đặc biệt, cần áp dụng các chế tài mạnh để thực hiện triệt để chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đầu tư, mở rộng và chuyển đổi mô hình kinh doanh. Ví dụ như dẹp bỏ chợ cóc, chợ tạm… từ đó, làm thay đổi thói quen tiêu dùng của của người dân, hướng tới hoạt động mua bán hàng tiêu dùng thông qua các kênh phân phối hiện đại. Mặt khác, các doanh nghiệp cần làm tốt vấn đề thương hiệu để người tiêu dùng bắt nhịp với hàng hóa Việt…
Trong bối cảnh hiện nay, để giữ được vị thế như hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong nước cần tăng cường tính hấp dẫn bằng những yếu tố cạnh tranh như: giá thành, mẫu mã, chất lượng, nên lựa chọn những mặt hàng ưu tiên, không phải bất cứ sản phẩm nào cũng đưa vào hệ thống bán lẻ hiện đại….
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các hình thức bán lẻ hiện đại khác mà nhiều nước trên thế giới đang áp dụng thành công như: cửa hàng đặc chủng, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bách hóa, kho hàng, trung tâm mua sắm, bán hàng theo catalogue, bán hàng trực tuyến… Đặc biệt, việc bán hàng trực tuyến đang được xem là một hình thức mới nhưng khá tiện dụng.
Mặc dù hệ thống phân phối bán lẻ hiện đại mới chỉ chiếm 20% thị phần của ngành bán lẻ trong cả nước, nhưng đây đang là một kênh quảng bá rất hữu hiệu cho hàng Việt. Để có thể thực hiện được theo đúng lộ trình mà Bộ Công thương đã đề ra là đến năm 2020 thị trường bán lẻ hiện đại đạt 40% rất cần đến sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan, đặc biệt là sự nhạy bén và năng động của các doanh nghiệp.
(DĐDN)