Thứ Hai, 07/10/2024 05:44 SA
Mở rộng vùng nguyên liệu mía:
Phải đi đôi với phát triển hạ tầng
Thứ Năm, 23/08/2012 14:00 CH

Những năm qua, diện tích trồng mía trong tỉnh liên tục mở rộng. Cây mía đã góp phần cải thiện đời sống nông dân và làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nhất là địa bàn miền núi. Hiện nay tỉnh đang xem xét việc mở rộng vùng nguyên liệu cho các doanh nghiệp mía đường để đáp ứng yêu cầu phát triển của các nhà máy đường. Tuy nhiên, có ý kiến lo ngại điều đó sẽ xâm hại đến đất rừng; trong khi hạ tầng kỹ thuật vùng mía chưa được đầu tư để tăng năng suất mía trên diện tích hiện có.

 

mia-son-ha120823.jpg

Nông dân xã Sơn Hà (Sơn Hòa) thu hoạch mía - Ảnh: H.NAM

Trong những năm gần đây, diện tích mía của tỉnh tiếp tục phát triển vượt quy hoạch, đến năm 2011 đạt 20.858ha, tăng 3.358ha so với quy hoạch. Riêng huyện Sông Hinh, diện tích mía được quy hoạch là 1.920ha nhưng hiện nay nông dân đã trồng hơn 4.000ha. Theo Sở NN-PTNT, dự kiến đến năm 2015 vùng nguyên liệu mía của tỉnh sẽ mở rộng đến 25.500ha; trong vùng nguyên liệu của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam từ 14.570ha tăng lên 16.950ha và Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa từ 6.000ha lên 8.533ha.

 

Ông Trần Trọng Kỳ, Phó chủ tịch UBND huyện Tây Hòa, cho biết: Theo dự kiến quy hoạch của tỉnh, việc mở rộng diện tích vùng nguyên liệu mía cho Công ty cổ phần Mía đường Tuy Hòa trên địa bàn huyện Tây Hòa từ 1.270ha lên 1.800ha. Diện tích mở rộng này huyện đáp ứng được song cần phải đầu tư kết cấu hạ tầng như nâng cấp trạm bơm điện và kênh mương phục vụ nước tưới cho cây mía để có năng suất cao thì người dân mới yên tâm trồng mía. Đối với huyện Đồng Xuân, Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Lý Nguyên cho rằng, thời gian qua, huyện Đồng Xuân chú trọng mở rộng diện tích, nâng cao năng suất mía, đã đầu tư xây dựng 2 trạm bơm điện là Mỏ Cày, Đồng Hội ở xã Xuân Quang 1 để tưới cho khoảng 300ha mía, tuy nhiên mô hình trồng mía tưới nước chưa được nhân rộng. Ngoài ra, thông qua các chính sách đầu tư của nhà máy đường, nông dân đã thay toàn bộ giống mía cau địa phương để trồng mía cao sản nên năng suất mía trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể. Do vậy, để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, nên quan tâm đầu tư hạ tầng kỹ thuật và thay đổi giống mía phù hợp với thổ nhưỡng của từng vùng.

 

Thu-hoach-mia120823.jpg

Thu hoạch mía ở xã Xuân Lâm (TX Sông Cầu) - Ảnh: M.NGUYỆT

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là ở các huyện miền núi diện tích mía vượt quy hoạch do người dân lấn chiếm đất lâm nghiệp. Giá mía tăng cao, người dân không ngần ngại phá rừng để trồng mía dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Đây là vấn đề đáng lưu ý khi phát triển vùng nguyên liệu mía của tỉnh. Mặt khác, để ổn định vùng nguyên liệu mía, các doanh nghiệp mía đường cần công bố chính sách thu mua mía ngay từ đầu vụ để nông dân yên tâm đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh, đưa phương tiện cơ giới hóa vào sản xuất từ khâu trồng đến khâu thu hoạch để tăng hiệu quả kinh tế. Điều này còn góp phần hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán nguyên liệu mía trên địa bàn.

 

MẠNH HOÀI NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek