Doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD). Báo Phú Yên phỏng vấn ông Nguyễn Phương Nam, Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) xung quanh vấn đề này .
* Ông có thể cho biết vai trò của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD?
Ông Nguyễn Phương Nam - Ảnh: X.HUY
- Doanh nghiệp luôn đóng vai trò quan trọng, chi phối đến hiệu quả đạt được trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Nhờ các cơ quan quản lý Nhà nước, các phương tiện truyền thông, nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam nói chung, Phú Yên nói riêng đã hiểu được vai trò, vị trí của mình; qua đó triển khai tương đối hiệu quả việc kiểm tra chất lượng sản phẩm có mặt trên thị trường nhằm ngăn ngừa hành vi lợi dụng thương hiệu để làm giả, làm nhái cũng như thực hiện đầy đủ việc tư vấn, tiếp nhận, giải quyết phản ánh của NTD. Điều này được thể hiện rõ với hơn 90% số vụ tranh chấp được hòa giải thành công trong thời gian qua, tạo niềm tin cho NTD trong việc lựa chọn, sử dụng hàng hóa của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng chủ động
phối hợp và hỗ trợ các cấp ngành ở Phú Yên trong việc thành lập Hội Bảo vệ quyền lợi NTD tỉnh để đẩy mạnh thực thi các quy định của pháp luật về lĩnh vực này. Ngoài ra, doanh nghiệp còn cải tiến phương thức giao tiếp theo hướng chủ động liên hệ với NTD nhằm kịp thời giải quyết những khúc mắc. Mặt khác, doanh nghiệp còn chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài trong việc thông tin, tuyên truyền để NTD nhận biết được hàng giả, hàng kém chất lượng… trực tiếp thiết lập hòm thư góp ý, đường dây nóng nhằm kịp thời khắc phục sự cố nếu có xảy ra. Đây chính là cơ sở để doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện hệ thống sản xuất, kinh doanh, phân phối, góp phần nâng cao uy tín đơn vị.
Khách đang lựa sản phẩm tại gian hàng của Công ty cổ phần Kỹ nghệ thực phẩm Phú Yên - Ảnh: X.HUY
* Doanh nghiệp phải làm gì để nâng cao trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ quyền lợi NTD, thưa ông?
Để Luật Bảo vệ quyền lợi NTD ngày càng phát huy hiệu quả, cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp phải đặt mình vào vị trí của NTD để thấu hiểu tâm tư, tình cảm cũng như những bức xúc của NTD. Do đó, các doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn cần linh hoạt xây dựng các chính sách đối với khách hàng, thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo đảm quyền lợi NTD; đẩy mạnh hoạt động ngăn ngừa, phòng chống hàng giả, hàng kém chất lượng nhằm bảo vệ thương hiệu cũng như hạn chế thiệt hại vật chất đối với NTD. Tiểu thương cần phải lựa chọn nguồn hàng hóa chất lượng, giá cả phù hợp; thực hiện đầy đủ việc niêm yết giá, tăng cường công tác tư vấn và có trách nhiệm đến cùng đối với hàng hóa của mình. Mặt khác, việc hưởng ứng “người tiêu dùng thông minh”, tích cực tham gia các phiên đưa hàng Việt về nông thôn, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng sẽ cho thấy những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền và lợi ích cho khách hàng.
Người tiêu dùng dùng thử sản phẩm tại chợ Tuy Hòa - Ảnh: M.NGUYỆT
* Cục Quản lý cạnh tranh sẽ làm gì để hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình?
- Thời gian đến, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, giới thiệu và phân tích rõ các nội dung trong Luật Bảo vệ quyền lợi NTD để các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đầy đủ. Trong đó, chúng tôi tập trung hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất việc đăng ký hợp đồng theo mẫu và điều kiện giao dịch chung nhằm đem lại lợi ích cho NTD lẫn doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, một khi đã xác lập được thương hiệu, không doanh nghiệp nào mong muốn NTD phản ánh, kiện cáo sản phẩm thiếu chất lượng của đơn vị. Do đó trong quan hệ thương mại, cơ chế hòa giải, tự thỏa thuận mức độ bồi thường luôn được chúng tôi khuyến khích cũng như tạo mọi điều kiện để cơ chế này ngày càng trở nên thiết thực, hiệu quả. Để được như vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ chuyên trách nhằm thực hiện đầy đủ vai trò cầu nối giữa doanh nghiệp với NTD. Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp đóng góp ý kiến cho Luật Bảo vệ quyền lợi NTD để luật ngày càng hoàn thiện, chúng tôi cũng tập huấn, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp thông qua việc tổ chức hội nghị, hội thảo, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm, lợi ích của doanh nghiệp khi làm tốt công tác bảo vệ quyền lợi NTD. Mặt khác, chúng tôi cũng tác động đến các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc thực hiện cơ chế trọng tài công bằng, không nghiêng về bên nào trong việc phân xử tranh chấp, thực hiện theo đúng định hướng chỉ đạo “bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NTD đồng thời cũng bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức”.
* Xin cảm ơn ông !
XUÂN HUY (thực hiện)