Ngày 6 và 7/8, Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh tiến hành lấy mẫu nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh để xét nghiệm, phân tích.
Ảnh minh họa: Internet |
Kết quả vùng nuôi TX Sông Cầu, chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa tại các điểm quan trắc đều nằm trong ngưỡng cho phép và tương đối ổn định. Phân tích vi sinh cho thấy ở hầu hết các điểm nuôi tôm hùm có mật độ vi khuẩn Vibrio thấp, dao động từ 0,4.102-6,6.102 CFU/ml. Hàm lượng vi khuẩn hiếu khí cũng ổn định, ở mức thấp: 0,02.104-1,28.104 CFU/ml. Người nuôi tôm hùm ở TX Sông Cầu lưu ý: Quản lý lồng bè nuôi chặt chẽ hơn, thức ăn cho tôm phải tươi và rửa sạch, xác tôm chết, thức ăn thừa phải tiêu hủy hợp lý xa khu vực nuôi. Việc sử dụng các loại thuốc bổ và thuốc phòng trị bệnh tại các hộ nuôi tôm hùm cần phải tham khảo quy trình điều trị đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng và của cơ quan quản lý chuyên ngành để phòng ngừa bệnh trên tôm đạt hiệu quả.
Tại khu vực đầm Ô Loan (Tuy An) chất lượng nước tương đối ổn định, các chỉ số về pH, NH3, NO2, Fe, H2S, DO, BOD, vi khuẩn hiếu khí trong ngưỡng cho phép nuôi thủy sản, tổng mật độ vi khuẩn Vibrio thấp. Riêng chỉ tiêu PO4 cao, dao động từ 0,2-0,4mg/l vượt ngưỡng cho phép hơn 0,1 mg/l; PO4 cao có thể do quá trình thu hoạch tôm và một số ao đang cải tạo thải mùn bã hữu cơ ra môi trường làm cho PO4 cao. Khu vực nuôi xung quanh đầm Ô Loan đã xảy ra bệnh trên tôm thẻ chân trắng, khả năng lây lan nhanh, bởi khu vực này hình thức nuôi theo dạng hồ hở. Trong thời gian tới không nên thả nuôi ở khu vực này cho tới khi tôm ngừng chết hẳn mới cải tạo, khử trùng thật kỹ trước khi thả lại.
Các vùng nuôi ở huyện Đông Hòa chỉ tiêu NH3, NO2, H2S, PO4, H2S, DO, BOD tương đối ổn định và nằm trong ngưỡng cho phép. Hàm lượng vi sinh Vibrio, vi khuẩn hiếu khí ở mức thấp. Riêng mẫu thu tại cầu Xác Cháy (xã Hòa Tâm) không có chỉ số Vibrio ssp và chỉ tiêu NH3 cao vì mẫu thu từ nước giếng ngầm. Chất lượng nước nguồn tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch tại thời điểm thu mẫu tương đối tốt, các ao hồ bỏ trống không tiếp tục thả tôm nên không có chất thải từ các ao nuôi thải ra môi trường.
Trung tâm Giống và Kỹ thuật thủy sản tỉnh khuyến cáo: Đối với các ao nuôi tôm trên toàn tỉnh phải thường xuyên kiểm tra các thông số môi trường trong ao nuôi (độ mặn, kiềm, pH, NH3, PO4…) để có biện pháp xử lý kịp thời (như bón vôi, chế phẩm sinh học…). Độ kiềm và độ mặn nước nuôi vùng nội đồng quá thấp sẽ ảnh hưởng nhiều đến tỉ lệ sống, tốc độ phát triển và tôm chậm cứng vỏ sau khi lột xác. Đặc biệt, từ tháng 7-8 hiện tượng tôm nuôi chết rải rác tại các hồ nuôi, nguyên nhân có thể do thiếu khoáng dinh dưỡng, các chủ hồ nuôi cần chú ý bổ sung khoáng, vitamin trước giai đoạn lột xác từ 1-2 ngày để hạn chế tôm chết ngay sau khi lột xác. Nuôi tôm thẻ chân trắng trong thời gian tới sẽ gặp các điều kiện bất lợi do mùa mưa có thể đến sớm sẽ làm thay đổi các yếu tố môi trường đặc biệt là độ mặn và nhiệt độ dẫn đến tôm bỏ ăn, mầm bệnh phát sinh và lây lan nên các hộ nuôi cần phải tăng cường phòng bệnh.
NGỌC NHƯ (tổng hợp)