Mục tiêu của ngành Du lịch Phú Yên đến năm 2015 là đưa Phú Yên trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên và vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Để đạt được mục tiêu đó, ngành Du lịch Phú Yên còn nhiều việc phải làm.
Kế hoạch phát triển du lịch Phú Yên đến năm 2015 của tỉnh vừa ban hành nêu rõ mục tiêu, định hướng và các đề án, dự án, chương trình đầu tư phát triển, đồng thời phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành.
Một góc vịnh Xuân Đài - Ảnh: T.QƯỚI
TẬP TRUNG SẢN PHẨM DU LỊCH BIỂN
Với thế mạnh bờ biển hoang sơ có nhiều vũng, vịnh, đảo, bãi tắm đẹp, ngành Du lịch Phú Yên xác định đây là điểm nhấn quan trọng nhất trong đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch. Các loại hình sản phẩm, dịch vụ liên quan đến biển đảo như: du lịch nghỉ dưỡng biển; tham quan khám phá, trải nghiệm ở các bãi tắm, vịnh, đảo; du lịch thể thao mạo hiểm dưới nước. Bên cạnh đó, hai loại hình du lịch mà Phú Yên hướng đến là du lịch gắn với sinh thái, tham quan, nghỉ dưỡng và du lịch gắn với văn hóa di tích lịch sử, lễ hội, tâm linh, ẩm thực, làng nghề...
Trên cơ sở đó sẽ hình thành các tuyến du lịch tương đối ổn định của tỉnh theo hai chiều không gian. Thứ nhất, ưu tiên phát triển tuyến du lịch Nam - Bắc gắn với biển và vùng ven biển, kết nối mạng lưới không gian du lịch các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ. Thứ hai, hình thành các tuyến du lịch Đông – Tây nối biển, đảo với các huyện miền núi trong tỉnh và các tỉnh Tây Nguyên; từng bước hình thành các điểm du lịch văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc...
Với những đặc trưng về sản phẩm du lịch như vậy, thị trường mà du lịch Phú Yên hướng đến, đối với khách nội địa: Khai thác thị trường khách ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội qua đường hàng không và các tỉnh trong khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên qua đường bộ. Đối với thị trường khách quốc tế, ưu tiên khai thác thị trường khách Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ và các nước châu Âu; quan tâm đặc biệt thị trường khách du lịch các nước trong khối ASEAN.
ĐỒNG BỘ NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN
Theo kế hoạch phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011-2015, có 7 đề mục lớn mà các sở, ngành cần triển khai thực hiện đồng bộ.
Thứ nhất, xây dựng các quy hoạch chi tiết làm cơ sở kêu gọi, thu hút đầu tư. Ngoài Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Phú Yên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 (đã được phê duyệt), ngành Du lịch khẩn trương lập quy hoạch phát triển khu vực vịnh Xuân Đài, khu vực núi Đá Bia – Vũng Rô – Mũi Điện, quy hoạch chi tiết một số khu, điểm du lịch; xây dựng các đề tài khoa học làm cơ sở định hướng phát triển sản phẩm du lịch; lập danh mục dự án ưu tiên gọi vốn đầu tư.
Thứ hai, khảo sát và triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với du lịch. Trong đó, ưu tiên các dự án: Nâng cấp các tuyến đường nối từ quốc lộ 1A, 1D đến các dự án khu du lịch ven biển phía bắc TX Sông Cầu, tuyến đường từ bãi biển Từ Nham đến vũng Dông - vịnh Xuân Đài, tuyến đường nối ĐT641 đi suối nước nóng Triêm Đức (Đồng Xuân), đường lên núi Đá Bia...; đầu tư hệ thống điện, nước, nhà vệ sinh tại các khu di tích, danh thắng; xây dựng cầu cảng, bến tàu du lịch tại vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, sông Chùa, đầm Ô Loan...
Thứ ba, tiếp tục kêu gọi đầu tư mở rộng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các khu, điểm du lịch đã cấp giấy chứng nhận đầu tư như: Khu du lịch phức hợp ven biển (Long Thủy – Hòn Chùa – bãi Súng), khu nghĩ dưỡng cao cấp rừng dương Thành Lầu, cù lao Mái Nhà, khu du lịch gành Đá Đĩa, khu du lịch sinh thái đầm Ô Loan và vùng phụ cận...; xác định danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư giai đoạn 2011-2020.
Thứ tư, tập trung đầu tư khai thác các chương trình về văn hóa gắn với du lịch, như: Xây dựng điểm văn hóa với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian (bài chòi, hò bá trạo, biểu diễn đàn đá, kèn đá, cồng chiêng...); hỗ trợ xây dựng các làng văn hóa; xây dựng làng nghề truyền thống, thương hiệu một số mặt hàng thủ công, mỹ nghệ phục vụ phát triển du lịch...
Thứ năm, tổ chức các chương trình khảo sát du lịch, xây dựng, kết nối các tour nội tỉnh, liên tỉnh để đa dạng sản phẩm du lịch.
Thứ sáu, thực hiện có hiệu quả chương trình tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. Xây dựng các ấn phẩm quảng bá, nâng cấp website du lịch Phú Yên; xây dựng các chuyên mục quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng; tham gia hội chợ, triển lãm du lịch; tổ chức các sự kiện quảng bá, xúc tiến...
Thứ bảy, chương trình đào tạo, sử dụng và phát triển nguồn nhân lực cho du lịch. Trên cơ sở các dự án du lịch đang đầu tư trong giai đoạn 2011-2015, dự kiến nhu cầu nhân lực cho du lịch từ 3.000-4.000 lao động. Trong đó, lao động làm công tác quản lý khoảng 400 người, còn lại là lao động trực tiếp các nghiệp vụ về du lịch tại các doanh nghiệp.
Thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch của tỉnh do đồng chí Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban. Bộ phận giúp việc cho Ban chỉ đạo gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở VH-TT-DL, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch-Đầu tư, trong đó Sở VH-TT-DL làm thường trực. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng phân công nhiệm vụ tất cả các sở, ngành, hội đoàn thể căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch chi tiết, căn cứ trên kế hoạch tổng thể về phát triển du lịch Phú Yên giai đoạn 2011-2015 của tỉnh.
Mục tiêu năm 2015: đón 900.000 lượt khách; doanh thu du lịch 1.684 tỉ đồng; 140 cơ sở lưu trú, trong đó có 13 khu du lịch resort, khách sạn đạt chuẩn 3-5 sao; số lao động trực tiếp trong lĩnh vực du lịch trên 6.000 lao động, trong đó trên 70% được đào tạo nghiệp vụ.
Tổng kinh phí thực hiện phát triển du lịch giai đoạn 2011-2015: 258,950 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 81 tỉ đồng, còn lại ngân sách Trung ương hỗ trợ.
TRẦN QUỚI (giới thiệu)