Thứ Tư, 27/11/2024 06:33 SA
Nâng cao chất lượng tín dụng chính sách:
Phải có sự chung tay của các cấp, ngành
Thứ Sáu, 06/07/2012 14:00 CH

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) Phú Yên đang tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi. Trao đổi với phóng viên Báo Phú Yên về vấn đề này, ông Đào Tấn Nguyên, Giám đốc VBSP tỉnh cho biết:

 

Ong-Dao-Tan-Nguyen120706.jpg

Ông Đào Tấn Nguyên - Ảnh: L.HẢO

Tỉ lệ nợ quá hạn của các chương trình tín dụng chính sách ở Phú Yên phát sinh từ cuối năm 2011 và có xu hướng tăng từ đầu năm nay, nhất là đối với chương trình cho vay hộ nghèo, học sinh, sinh viên. Cuối tháng 3/2012, tỉ lệ nợ quá hạn của VBSP Phú Yên chiếm khoảng 2,4% tổng dư nợ, cao thứ 6 trong 50 tỉnh, thành phố (trừ 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ). Phú Yên là một trong sáu chi nhánh được Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đề nghị cần phải tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng.

 

* Nguyên nhân nào khiến nợ quá hạn của VBSP Phú Yên có xu hướng tăng cao trong thời gian qua, thưa ông?

 

- Trong hai tháng 5, 6/2012, VBSP đã phối hợp với sở, ngành liên quan, các hội đoàn thể và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra chất lượng hoạt động tín dụng của các phòng giao dịch trên địa bàn tỉnh. Kết quả kiểm tra cho thấy, tỉ lệ nợ quá hạn cao tập trung vào hai chương trình cho vay hộ nghèo và học sinh, sinh viên. Đối với chương trình tín dụng hộ nghèo, nguyên nhân là do số hộ chưa thoát nghèo bền vững chấp nhận lãi suất quá hạn, giữ vốn để tiếp tục sản xuất, chiếm tỉ lệ gần 64% tổng số hộ nghèo quá hạn được kiểm tra. Trường hợp nợ quá hạn do hộ vay bỏ vùng, làm ăn thua lỗ, bị bệnh nặng; công tác xử lý nợ rủi ro chưa kịp thời, quy trình, thủ tục chưa đảm bảo tính pháp lý để xử lý nợ; nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng, chậm thu hồi, xử lý chiếm hơn 18%. Còn lại là do hộ vay chưa có ý thức tích góp để trả nợ phân kỳ hàng năm, khi đến hạn không có khả năng trả một lần mà chỉ trả dần hàng tháng.

 

Về chương trình cho vay học sinh, sinh viên, tình trạng sinh viên ra trường không tìm được việc làm, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chưa có nguồn thu để trả nợ cho Nhà nước dẫn đến nợ quá hạn chiếm tỉ lệ hơn 70%. Một số hộ vay có khả năng trả nợ nhưng còn mang tính ỷ lại, chây ỳ, thiếu ý thức trả nợ chiếm tỉ lệ khoảng 24%. Sinh viên ra trường có việc làm nhưng chưa ổn định, thu nhập thấp, cộng với hoàn cảnh kinh tế gia đình đang khó khăn nên chỉ trả nợ dần hàng tháng chiếm tỉ lệ 5,5%. Ngoài ra, việc cán bộ ngân hàng, hội, tổ thiếu sự đôn đốc hộ vay thực hiện trả nợ phân kỳ hàng năm khi sinh viên tốt nghiệp; hộ vay chưa nắm đầy đủ thông tin về tín dụng ưu đãi cũng góp phần làm tỉ lệ nợ quá hạn gia tăng.

 

* Vậy ngân hàng làm gì để cải thiện tình hình trên?

 

- Trước tình hình nợ quá hạn có xu hướng ngày càng tăng, Ban giám đốc VBSP Phú Yên đã tham mưu cho Tỉnh ủy có văn bản chỉ đạo lãnh đạo các cấp từ tỉnh, huyện, xã, đến cơ sở đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội, đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công bằng, công khai để hoạt động hiệu quả hơn. Thông qua kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng hoạt động tín dụng của các phòng giao dịch, chúng tôi đã phân tích nguyên nhân và đề xuất những biện pháp khắc phục. Nhờ vậy, tỉ lệ nợ quá hạn có chiều hướng giảm xuống, hiện chỉ còn ở mức 2,15%.

 

vbsp120706.jpg

Khách hàng làm thủ tục trả nợ vay tại VBSP Phú Yên - Ảnh: L.HẢO

 

* Thời gian tới, VBSP Phú Yên sẽ triển khai những giải pháp nào để củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách?

 

- Từ nay đến cuối năm, VBSP Phú Yên tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách giai đoạn 2012-2014 nhằm kiểm soát tỉ lệ nợ xấu, phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng ưu đãi, giúp hộ nghèo cải thiện đời sống.

 

Đối với những hộ thoát nghèo chưa bền vững, ngân hàng đề nghị tiếp tục cho vay để họ có vốn sản xuất kinh doanh. Hộ nào có khả năng trả nợ nhưng dây dưa, chây ỳ không chịu trả thì kiên quyết đưa ra pháp luật xử lý để răn đe. Những hộ có hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng trả nợ như già yếu, bệnh tật, mất sức lao động, bỏ địa phương, quá nghèo… thì đề nghị xử lý rủi ro. VBSP Phú Yên cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam gia hạn thêm thời gian trả nợ đối với hộ vay vốn chương trình học sinh, sinh viên khi sinh viên ra trường chưa có việc làm, chưa có nguồn thu. Đối với những trường hợp có ý thức trả nợ kém, ngân hàng tiếp tục làm việc với các hội đoàn thể, lãnh đạo xã, phường tác động thu nợ. Ngoài ra, VBSP Phú Yên còn đề xuất mở rộng đối tượng cho vay chương trình học sinh, sinh viên đối với hộ gia đình có từ hai học sinh, sinh viên trở lên đang đi học, kinh tế hộ gia đình còn khó khăn; bổ sung nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

 

Dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, VBSP Phú Yên mong muốn các cấp, ngành, hội đoàn thể, địa phương liên quan tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của cơ sở trong việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng ưu đãi, góp phần thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

 

* Xin cảm ơn ông!

  

LÊ HẢO (thực hiện)

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek