Với mục tiêu hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng khoa học vào sản xuất, trong thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) Phú Yên thuộc Sở NN-PTNT đã tích cực khảo nghiệm, chuyển giao nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, giúp nông dân trong tỉnh giảm chi phí đầu tư, nâng cao năng suất lao động.
Nông dân xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa) tham gia mô hình chuyển giao kỹ thuật, khoa học của Chi cục Bảo vệ thực vật - Ảnh: T.HƯƠNG
NHIỀU CHƯƠNG TRÌNH THIẾT THỰC
Từ năm 2008 đến nay, Trung tâm KN-KN đã triển khai nhiều chương trình, mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao, tiêu biểu như chương trình sạ thưa hợp lý và sạ lúa theo hàng. Đây là chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp nhằm đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi dần tập quán sạ dày, giảm lượng giống gieo sạ từ 80-100kg/ha. Theo đó lượng phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động cũng giảm đáng kể. Bà Lê Thị Nhạn ở xã Hòa Quang Bắc (Phú Hòa) cho biết: “Hiện mỗi sào lúa tôi chỉ sạ hơn 8kg, giảm 3kg so với lúc chưa áp dụng biện pháp sạ hàng, chi phí thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm đáng kể. Mỗi vụ gia đình tôi tiết kiệm gần một triệu đồng. Việc sạ theo hàng giúp cho cây lúa sinh trưởng tốt, cho năng suất cao, chất lượng sản phẩm cũng nâng lên”.
Song song với chương trình sạ hàng, Trung tâm KN-KN Phú Yên còn kết hợp hỗ trợ công cụ sạ hàng; đến nay đã chuyển giao cho bà con được 1.050 công cụ.
Từ chỗ chỉ có một vài điểm trình diễn, hiện diện tích lúa sạ theo hàng đã đạt 6.000ha/vụ. Đi đầu trong việc triển khai và nhân rộng mô hình này tại các vùng lúa trọng điểm của tỉnh là các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An, TP Tuy Hòa. Ông Võ Kim Quy, Chủ nhiệm HTX Hòa Kiến 1 (TP Tuy Hòa) cho biết: Thấy được hiệu quả của mô hình trên, HTX đã triển khai nhân rộng cho các xã viên làm theo. Đến nay gần 100% xã viên của HTX áp dụng sạ lúa theo hàng. Bình quân mỗi sào lúa sản xuất theo phương pháp này cho thu hoạch trên 70 tạ/ha. Trung tâm KN-KN còn đưa vào áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” (phải sử dụng giống tốt, được xác nhận; giảm giống bằng phương pháp sạ hàng, giảm bón phân đạm, giảm thuốc trừ sâu, giảm nước tưới và giảm thất thoát trong thu hoạch và bảo quản) với mục tiêu tiết kiệm nước tưới, tăng năng suất, giảm sâu bệnh. Qua so sánh với ruộng đối chứng, mô hình sản xuất lúa theo quy trình này lúa ít bị đổ ngã, ít nhiễm sâu bệnh, năng suất cao hơn ruộng trồng theo cách truyền thống. Bình quân năng suất lúa được trồng theo mô hình “1 phải, 5 giảm” đạt 75,3 tạ/ha, cao hơn ruộng đối chứng 3-4 tạ/ha. Theo ông Trần Văn Công ở thôn Quang Quang, xã Hòa Kiến (TP Tuy Hòa), khi áp dụng mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm”, mỗi sào (500m2) thu lãi gần 1 triệu đồng, nhiều hơn 200.000 đồng so với trước.
BẠN CỦA NHÀ NÔNG
Trong hoạt động của mình, Trung tâm KN-KN Phú Yên còn chú trọng việc đưa các giống mía năng suất cao vào sản xuất. Nhiều mô hình thâm canh mía năng suất cao đã được triển khai tại các vùng nguyên liệu mía, với các loại giống K84-200, R579, R570… cho năng suất từ 75-80 tấn/ha, cá biệt có diện tích cho năng suất 120 tấn/ha. Ngoài ra nhiều mô hình hiệu quả trong chăn nuôi như: Cải tạo đàn bò vàng Phú Yên, nuôi bò vỗ béo, trồng cỏ nuôi bò, nuôi gà an toàn sinh học, nuôi tu hài khay lồng… cũng đã được chuyển giao, mang lại hiệu quả kinh tế đáng kể cho nông dân. Bà Nguyễn Thị Tâm, ở xã Hòa Thắng (Phú Hòa) bày tỏ: Từ khi được cán bộ khuyến nông tập huấn mô hình trồng cỏ voi nuôi bò, gia đình tôi đã mạnh dạn xây dựng chuồng, trồng 3 sào cỏ và mua 7 con bò về nuôi. Đến nay mỗi con đã có giá trên 23 triệu đồng, bình quân mỗi tháng, mỗi con cho lãi trên 700.000 đồng.
Với mục đích giúp cho nông dân tự giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong sản xuất nông nghiệp, đồng thời liên tục cập nhật những kiến thức về khoa học kỹ thuật mới, thời gian qua, Trung tâm KN-KN Phú Yên đã phát hành gần 600.000 tờ gấp với 100 đầu tài liệu cho nông dân. Từ nguồn ngân sách của tỉnh, Trung tâm đã tổ chức khoảng 250 lớp tập huấn về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản cho gần 12.000 lượt người tham gia. Các lớp tập huấn này không chỉ chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi cho nông dân mà còn đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ khuyến nông viên cơ sở, hướng dẫn thành lập và tổ chức hoạt động các câu lạc bộ khuyến nông…
Ông Nguyễn Đình Nhơn, Giám đốc Trung tâm KN-KN Phú Yên, cho biết: Với mục tiêu ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, thời gian tới đơn vị tiếp tục thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến ngư theo định hướng của ngành nông nghiệp tỉnh. Trong đó ưu tiên cho các loại cây trồng, vật nuôi trọng điểm; các chương trình nuôi trồng an toàn, thân thiện với môi trường, bền vững, hiệu quả cao… để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; hạ giá thành sản phẩm, nâng hiệu quả kinh tế, tăng lợi nhuận cho nông dân. Trung tâm cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với môi trường sinh thái của từng địa phương, trình độ tiếp thu của nông dân từng vùng.
HƯƠNG NGÔ