Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện nay lúa hè thu xuất hiện các loại sâu bệnh như: ốc bươu vàng, sâu keo, sâu đục thân, sâu cuốn lá nhỏ, chuột và bệnh khô vằn… đang gây hại rải rác. Trong thời gian đến, mật độ các sâu bệnh này có thể tăng cao trên các chân ruộng sạ dày, bón phân không cân đối.
NGĂN CHẶN BỆNH VÀNG LÙN - LÙN XOẮN LÁ
Đến nay, khoảng 23.5000ha lúa vụ hè thu cơ bản đã gieo sạ xong, hiện lúa trà 1 và trà 2 gieo sạ khoảng 22.000ha đang bắt đầu đẻ nhánh. Sâu keo, sâu cuốn lá nhỏ và bọ trĩ xuất hiện trên một số diện tích lúa hè thu tại các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, tại huyện Tây Hòa, ốc bươu vàng gây hại 25ha lúa vụ hè thu, trong đó 15ha mật độ 4-5 con/m2.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, hiện nay đáng lo ngại nhất là tình hình rầy nâu gây hại. Khi rầy nâu xuất hiện nếu không được quản lý bằng các biện pháp thích hợp sẽ dẫn đến hiện tượng cháy rầy cục bộ và truyền virus bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, gây thiệt hại nặng đến năng suất lúa. Ông Đặng Văn Mạnh, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên cho biết: “Hiện nay, rầy nâu đang có xu hướng phát triển mạnh ở khu vực miền Trung. Để ngăn chặn sự phát sinh gây hại của rầy nâu, từ đầu vụ không nên dùng các giống nhiễm như TBR 1, ĐV 108, OM2695-2, HĐB6, D98-17, BĐ 258...”.
Chi cục Bảo vệ Thực vật Phú Yên khuyến cáo, đối với cây lúa giai đoạn hiện nay, phòng trừ rầy nâu theo chương trình quản lý dịch hại IPM, tránh sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không cần thiết vì dễ gây hiện tượng bộc phát rầy nâu không kiểm soát được. Không phun thuốc trừ sâu sớm, chỉ phun khi rầy có xu thế phát triển mạnh. Kết hợp sử dụng bẫy đèn để theo dõi số lượng rầy nâu vào đèn, đồng thời xác định thời điểm rộ rầy nâu và hướng di chuyển của rầy để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hợp lý. Khi mật độ rầy nâu trên đồng ruộng trên 3.000 con/m² và các yếu tố thuận lợi cho rầy nâu phát triển thì có thể tiến hành xử lý thuốc theo nguyên tắc 4 đúng (đúng loại thuốc; đúng liều lượng và nồng độ; đúng cách; đúng lúc) để không ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của cây lúa.
NGUY CƠ GẶP MƯA CUỐI VỤ
Theo Sở NN-PTNT, lịch thời vụ gieo sạ của vụ hè thu từ 20/5 đến ngày 10/6/2012, bố trí thời điểm gieo sạ sao cho lúa trổ tập trung sau tiết lập thu và bắt đầu thu hoạch từ đầu tháng 9, dứt điểm trước 20/9; tuy nhiên vừa qua, toàn tỉnh có khoảng 1.070ha gieo sạ muộn do nắng nóng. Việc gieo sạ muộn tạo điều kiện cho dịch bệnh phát sinh nhất là dịch rầy nâu, bệnh khô vằn, lem lép hạt… nên cần có biện pháp phòng, trị đạt hiệu quả cao.
Cũng theo nhận định của Sở NN-PTNT, năm nay khả năng mùa mưa đến sớm ảnh hưởng đến sản xuất lúa hè thu, đặc biệt là thời điểm cuối vụ. Các vụ lúa hè thu các năm trước, khi lúa đang giai đoạn trổ bị ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, mưa trái mùa kéo dài, sau mưa thời tiết lại âm u, lúa phơi màu thiếu ánh nắng dẫn đến lép hạt, nhiều diện tích lúa bị ảnh hưởng năng suất. Ngoài ra, mật độ rầy nâu cũng xuất hiện khá dày, bệnh thối bẹ thối thân cũng “tấn công” nhiều cánh đồng.
Ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết: Khí hậu, thời tiết đang diễn biến bất thường, không thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng, lo ngại là trong giai đoạn lúa trổ - chín sữa phát sinh nhiều sâu bệnh. Bên cạnh đó nhiều địa phương, nông dân còn gieo sạ quá dày, lượng giống gieo sạ từ 180-200 kg/ha, sử dụng quá nhiều giống lúa trong sản xuất, chất lượng hạt giống chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định. Vì vậy, trên cơ sở dự báo thời tiết vụ hè thu, các địa phương lập phương án phòng chống thiên tai hạn hán giữa vụ, lũ lụt cuối vụ và có biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa hè thu.
LÊ TRÂM