Việc dự án hạ tầng đô thị
Dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hoà- Vũng Rô với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 1290 tỷ đồng có qui mô lớn nhất tỉnh Phú Yên từ trước đến nay. Dự án này có 5 dự án thành phần và trong dự án thành phần có các tiểu dự án; khi hoàn thành sẽ hình thành 36,5 km tuyến đường nối từ đường Hùng Vương vào cảng Vũng Rô, kè bảo vệ bờ Nam sông Ba và khu đô thị trên diện tích 350 ha.
Dự án hạ tầng đô thị Nam TP Tuy Hòa – Vũng Rô theo kế hoạch được thực hiện từ 2004 đến 2009 và nguồn vốn xây dựng theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng mà dự kiến sẽ thu được 1400 tỷ đồng từ đấu giá đất ở khu đô thị. Trong kế hoạch năm 2005, dự án hoàn thành cầu Đà Nông giai đoạn 1 và khởi công giai đoạn 2; khởi công đường từ phía nam cầu Hùng Vương đến bắc sân bay Tuy Hoà (giai đoạn 1); khởi công kè bờ nam sông Ba và hạ tầng khu dân cư lô 1; khởi công (giai đoạn 1) đường từ bắc sân bay đến đường dẫn phía bắc cầu Đà Nông, hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng toàn dự án (dự án thành phần 5)...
Tuy nhiên, cho đến nay năm 2005 chỉ còn vài ngày là kết thúc mà vẫn chưa có tiểu dự án và dự án thành phần nào thực hiện đúng mục tiêu đề ra. Cụ thể như tiểu dự án cầu Hùng Vương chỉ mới mở thầu hạng mục 10 nhịp cầu phía nam, các hạng mục còn lại đang lập hồ sơ thiết kế- kỹ thuật- dự toán và cũng chưa có mặt bằng đường phục vụ thi công thì làm sao khởi công vào cuối năm nay? Còn 2 dự án hạ tầng khu đô thị mới Nam TP Tuy Hoà và dự án đền bù giải phóng mặt bằng cho đến nay hầu như chưa có “động tĩnh” gì vì dự án qui hoạch xây dựng chi tiết khu đô thị Nam TP Tuy Hoà ít nhất đến tháng 4-2006 đơn vị tư vấn mới hoàn thành để trình thẩm định phê duyệt, nghĩa là chậm mất khoảng 6 tháng...
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là do chậm trễ nên dự án đã và đang bộc lộ sự lãng phí. Để thực hiện dự án, năm 2005, Chính phủ cho Phú Yên vay 200 tỷ và bổ sung chương trình mục tiêu 5 tỷ đồng, nhưng đến đầu tháng 12 mới giải ngân 66,5 tỷ đồng, đạt hơn 33% kế hoạch và còn đến 45 tỷ chưa phân bổ vốn. Tiếp đến, năm 2006 dự án được bố trí vốn đầu tư 325 tỷ đồng, trong đó có 300 tỷ từ ngân sách Chính phủ cho vay nhưng hình như việc bố trí kế hoạch vốn vẫn còn 180 tỷ đồng chưa có địa chỉ để phân bổ. Như vậy, nếu tính sơ sơ khoản vay 500 tỷ đồng từ Chính phủ, nếu không giải ngân kịp thời thì không chỉ ứ đọng vốn đầu tư mà mỗi tháng Phú Yên phải trả phí lên đến 750 triệu đồng (lãi suất 0,15%/tháng), nghĩa là một năm tỉnh phải chi trả khoản phí 9 tỷ đồng, tương đương với số tiền hỗ trợ xoá nhà ở tạm, nhà ở dột nát cho 1800 hộ nghèo. Quả thật đây là con số không nhỏ đối với tỉnh nghèo như Phú Yên, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng 65,7% so mức thu nhập bình quân chung cả nước.
Bên cạnh đó, theo tính toán trong 3 năm 2007-2009 tỉnh Phú Yên tiến hành đấu giá quyền sử dụng đất với bình quân mỗi năm thu vào ngân sách khoảng 450 tỷ đồng để từ 2008 trả nợ cho Chính phủ. Tuy nhiên, để thu được số tiền gần xấp xỉ thu ngân sách địa phương hàng năm nói trên quả là rất khó khăn nếu so sánh với thực trạng hiện nay, đó là việc đấu giá quyền sử dụng đất đường Hùng Vương trong 3 năm qua cũng chỉ mới thu về ngân sách hơn 200 tỷ đồng...
Các ngành chức năng cần phải thúc đẩy nhanh tiến độ các tiểu dự án cũng như dự án thành phần, mà trước hết là tiến độ qui hoạch xây dựng, tiến độ khai thác quĩ đất; cần nâng cao trách nhiệm cụ thể của chủ đầu tư đối với từng dự án mà bài học về sự chậm trễ của các dự án trọng điểm của tỉnh thời gian qua đã và đang trả một giá khá đắt. Đồng thời, kiến nghị HĐND tỉnh cần bàn bạc để có thể ra nghị quyết hàng năm đối với dự án để đến năm 2009 buộc phải hoàn thành theo đúng mục tiêu đề ra mà không xảy ra thất thoát, lãng phí.... Có thể nói, dự án hạ tầng đô thị
THẾ LẬP