Theo kế hoạch, Phú Yên có 25 doanh nghiệp Nhà nước thuộc diện phải sắp xếp chuyển đổi. Trong 2 năm 2003 và 2004, 3 doanh nghiệp đã thực hiện cổ phần hóa (gồm các công ty: Tư vấn xây dựng, Vật liệu xây dựng, Sách và thiết bị trường học), 3 DN bán cho tập thể người lao động (gồm các công ty: Xây dựng, May – Xuất nhập khẩu, Xây dựng giao thông). Năm 2005, 3 DN đang thực hiện cổ phần hóa (gồm các công ty: Lâm đặc sản, 3-2, Dược và vật tư y tế); giải thể 4 DN (gồm các công ty: Thương mại tổng hợp, Dầu thực vật, Điện ảnh băng từ, Sản xuất và chế biến nông sản), 1 DN chuyển giao cho đơn vị trung ương quản lý (Công ty kỹ nghệ thực phẩm). 2 DN nằm trong lộ trình sắp xếp, giải thể nhưng qua định giá tài sản phải chuyển sang hình thức phá sản (gồm các công ty: Du lịch, Sản xuất – Kinh doanh – Xuất nhập khẩu). 9 DN còn lại thực hiện theo phương án bổ sung (đã được Chính phủ phê duyệt) trong năm 2005 và hoàn tất trong năm 2006, gồm: Cổ phần hóa 4 DN, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên 3 DN, sáp nhập 2 DN thành lập công ty.
Công ty May XNK Phú Yên sau khi bán lại cho tập thể người lao động đã đi vào hoạt động ổn định - Ảnh: N.T
Đến nay, Công ty dịch vụ và Khai thác hạ tầng các khu công nghiệp đã sáp nhập vào Công ty Đầu tư phát triển khu công nghiệp Phú Yên; xác định giá trị tài sản Xí nghiệp may xuất khẩu (thuộc Công ty sản xuất xuất nhập khẩu công nghiệp) để bán cho tập thể người lao động tại Xí nghiệp; lập phương án chuyển 3 DN (gồm công ty: Quản lý đường bộ, Phát triển nhà và công trình đô thị, Cấp thoát nước) thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên. Chuẩn bị các điều kiện để năm 2006 tiến hành cổ phần hóa 4 DN (gồm các công ty: Sản xuất xuất nhập khẩu công nghiệp, Thương mại miền núi, In tổng hợp, Vật tư tổng hợp). Toàn tỉnh hiện còn 12 DN chưa sắp xếp, trong đó có 7 DN phải thực hiện hoàn thành trong năm 2005.
Nhìn chung sau sắp xếp, cổ phần hóa, hầu hết các DN đều tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn trước, vốn Nhà nước được bảo toàn, cổ đông thu được tổ tức hàng năm. Năm 2004, Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Phú Yên tăng mức doanh thu 20% so với năm trước, lợi nhuận tăng gấp 3 lần, thu nhập của người lao động khá ổn định (bình quân 2 triệu đồng/người/tháng). Nhờ đó, đơn vị có điều kiện đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh. Công ty cổ phần Vật liệu xây dựng Phú Yên sau cổ phần hóa đã đạt mức doanh thu 6 tháng cuối năm 2004 tăng gấp 2 lần so với 6 tháng đầu năm, thu nhập của người lao động bình quân 700.000 đồng/người/tháng. Đơn vị có điều kiện đầu tư thêm Xí nghiệp sản xuất đá ốp lát và bổ sung lực lượng lao động. Công ty cổ phần Sách và thiết bị trường học đạt lợi nhuận bình quân bằng 71,3% so với cả năm 2004, thu nhập bình quân của người lao động 940.000 đồng/người/tháng.
Qua thống kê ở 8 DN chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản, 761 lao động (trong đó chuyển công tác 189, giải quyết thôi việc, nghỉ hưu… 572 lao động) đã được thực hiện các chế độ, chính sách theo quy định của Nhà nước, tìm việc làm mới. Các công đoàn cơ sở cũng được sắp xếp lại, thành lập mới, hoạt động theo mô hình DN sau chuyển đổi (công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn…) từng bước đi vào hoạt động, bảo đảm thực hiện chức năng của tổ chức Công đoàn.
Sắp xếp, chuyển đổi các DN Nhà nước của tỉnh là việc làm mới, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn, lúng túng… Mặt khác, hầu hết các DN có quy mô nhỏ, hoạt động hiệu quả còn thấp, lao động phổ thông chiếm phần lớn, không ít DN thua lỗ kéo dài, nợ khó đòi chiếm tỷ trọng lớn…, có DN không bán được tài sản hoặc không có cổ đông tham gia… Do đó, tiến độ triển khai chậm so với kế hoạch. Hoạt động Công đoàn cơ sở theo mô hình mới còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, việc chỉ đạo hướng dẫn hoạt động của Công đoàn cấp trên chưa kịp thời.
TRẦN NGỌC