Tại buổi gặp mặt, đối thoại với UBND tỉnh, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bày tỏ nguyện vọng trong một số vấn đề cụ thể giúp các đơn vị tháo gỡ khó khăn, tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Báo Phú Yên ghi lại một số ý kiến tiêu biểu.
* Ông TRỊNH VĨNH BÌNH (Việt kiều Hà Lan), Giám đốc khách sạn Long Beach:
CẦN CẢI CÁCH HƠN NỮA THỦ TỤC HÀNH CHÍNHTôi thực sự hài lòng khi đầu tư vào Phú Yên. Thời gian qua, doanh nghiệp đã được UBND tỉnh tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai dự án; nhờ vậy hoạt động của khách sạn Long Beach ngày càng phát triển. Điều đó giúp cho những nhà đầu tư ngoài tỉnh như tôi và những người bạn của tôi củng cố niềm tin vào chính sách ưu đãi đầu tư của tỉnh, từ đó tiếp tục đầu tư vốn thực hiện thêm các dự án khác, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch sinh thái vốn là thế mạnh của Phú Yên.
Điều tôi băn khoăn là sự thay đổi về giá thuê đất. Đối với dự án khách sạn Long Beach chỉ mới vài năm triển khai mà đã hai lần điều chỉnh theo hướng tăng lên. Sự thay đổi là cần thiết nhưng nếu nhiều quá sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, ảnh hưởng đến việc đầu tư các dự án. Là một nhà đầu tư nước ngoài, tôi mong muốn UBND tỉnh cần cải cách hơn nữa thủ tục hành chính. Việc này được tỉnh quan tâm, nhưng hiệu quả mang lại chưa cao như một số tỉnh, thành phố khác trong nước, đặc biệt là Bình Dương. Hiện cơ chế một cửa liên thông đã được triển khai nhưng cần phải tuân thủ đúng nguyên tắc mọi thứ phải được giải quyết tại chỗ, nhanh chóng chứ không phải chờ đợi các ngành làm việc với nhau, thiếu thủ tục nào thì nhà đầu tư lại phải đến sở, ngành đó thì chẳng khác nào một cửa mà nhiều ngách.
* Ông DIỆP TƯ HÙNG, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 1.5: NGÂN HÀNG CẦN GIÚP DOANH NGHIỆP NHỮNG LÚC KHÓ KHĂN
Công ty chúng tôi hoạt động trong lĩnh vực xây dựng giao thông, nhưng hiện gặp rất nhiều khó khăn do kế hoạch tài chính không thực hiện được, doanh nghiệp không vay được vốn ngân hàng. Trong khi đó, nhiều công trình của Nhà nước do công ty thực hiện đã hoàn thành, nghiệm thu đưa vào sử dụng nhưng Nhà nước còn nợ. Không vay được vốn nên một số công trình do Công ty đảm nhiệm thi công đành phải dở dang; nếu được “bơm” vốn thì sẽ hoàn thành phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Vì vậy, tôi đề nghị các ngân hàng xem xét cho Công ty 1.5 vay vốn trong điều kiện có thể để cứu doanh nghiệp. Những lúc khó khăn như hiện nay, chúng tôi cần đến sự đồng hành, giúp sức của Ngân hàng bởi doanh nghiệp thực sự đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Trước đây có nhiều thời điểm, UBND tỉnh cần xử lý một số công việc cấp bách ở các dự án kè Bạch Đằng, khắc phục hậu quả mưa lụt tại dốc Vườn Xoài... doanh nghiệp không hề tính toán thiệt hơn, sẵn sàng đưa xe máy, thiết bị, vật tư ứng cứu kịp thời. Vậy những thời điểm vất vả của Công ty 1.5, chúng tôi cũng cần được các ban, ngành của tỉnh, nhất là Ngân hàng hiểu và chia sẻ khó khăn.
* Ông NGUYỄN ĐẶNG, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xây dựng Hiệp Hòa: ĐÃ CÓ CHỦ TRƯƠNG SAO KHÔNG BÙ GIÁ CHO CÔNG TRÌNH
Công ty Cổ phần Xây dựng Hiệp Hòa là nhà thầu thi công trụ sở Huyện ủy Đông Hòa; công trình đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng cách đây mấy năm, nhưng đến giờ chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện việc bù giá. Theo quy định của Nhà nước, công trình có phát sinh khối lượng hoặc biến động giá trong thời điểm triển khai thì được tính toán bù giá vật liệu xây dựng khối lượng phát sinh. Việc này Công ty đã nhiều lần khiếu nại, yêu cầu giải quyết, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã có ý kiến nhưng huyện Đông Hòa không chịu thực hiện, gây bức xúc cho chúng tôi. Điều này là không minh bạch vì chỉ cần doanh nghiệp nợ thuế là Nhà nước phạt còn huyện Đông Hòa chưa chịu bù giá cho nhà thầu kéo dài trong khi doanh nghiệp phải chịu lãi suất vay Ngân hàng với mức cao thì lại không được quan tâm giải quyết.
THANH HOÀI - VIỆT AN