Đã có hơn 780ha tôm tại huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu bị chết, gây thiệt hại nặng cho người nuôi. Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) xác nhận, tôm chết có thể do thuốc bảo vệ thực vật.
Người dân huyện Đông Hòa bán tôm non vì dịch bệnh bùng phát - Ảnh: A.NGỌC
Theo Sở NN-PTNT Phú Yên, vụ tôm năm 2012 ngư dân trong tỉnh thả nuôi khoảng 1.440ha, trong đó gần 1.280ha tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, hơn 780ha tôm nuôi ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và TX Sông Cầu bị bệnh và chết.
Tại nhiều vùng nuôi tôm trong tỉnh, dịch bệnh đang bùng phát, nhất là tôm thẻ chân trắng, khiến người nuôi không khỏi lo lắng. Ông Nguyễn Văn Trung ở thôn Diêm Hội, xã An Hòa, huyện Tuy An thả nuôi 4 hồ rộng 3ha ở đầm Ô Loan. Đợt đầu, khi tôm được 20 ngày tuổi thì bị bệnh và chết sạch. Sau khi cải tạo hồ, ông tiếp tục thả tôm nuôi, nhưng hiện được hơn hai tháng tuổi và đang chết. Ông Trung cho biết: “Qua hai lần thả nuôi, tôi lỗ vốn gần 1 tỉ đồng”.
Tại các vùng nuôi tôm ở huyện Đông Hòa, tình hình dịch bệnh ở tôm cũng đang diễn biến phức tạp. Đến nay đã có khoảng 550/580ha tôm nuôi bị bệnh, chết, nhiều người lâm vào cảnh nợ nần. Theo Chi cục Thú y tỉnh, tôm chết ở huyện Tuy An và Đông Hòa có triệu chứng gan tụy bị hư, tuy nhiên vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Ông Trần Sáu, Phó phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết, đến thời điểm này đã có 180/460ha tôm, chủ yếu tôm thẻ chân trắng bị bệnh. Trong đó gần 40ha bị mất trắng, số diện tích nuôi còn lại chỉ thu hồi được khoảng 30% so với vốn đầu tư”.
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), người nuôi không nên sử dụng chất diệt tạp, hóa chất cấm hoặc có nguồn gốc thuốc bảo vệ thực vật để xử lý môi trường ao nuôi. Những nơi nuôi tập trung không đủ nguồn nước sạch nên chuyển một phần diện tích sang nuôi bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến.
Theo những người có kinh nghiệm trong nuôi tôm, nguyên nhân khiến tôm chết là do con giống không đảm bảo chất lượng và môi trường nuôi bất lợi. Trước khi thả tôm nuôi nhiều người đã cải tạo kỹ ao hồ, xử lý nước đúng quy trình kỹ thuật, chọn mua con giống tại các trại giống có uy tín… nhưng tôm vẫn chết. Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên cho biết, nguyên nhân tôm chết có thể do thời tiết nắng nóng kéo dài, mật độ thả nuôi quá dày. Nhiều hồ nuôi tự ý xả thải nước bị ô nhiễm ra môi trường xung quanh, trong khi một số cửa biển, cửa sông bị bồi lấp nặng, gây hạn chế trong việc trao đổi nước. Ông Phương cho biết thêm, đoàn công tác của Tổng cục Thủy sản vừa có chuyến làm việc tại Phú Yên và một số tỉnh, thành phố về tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi. Qua kiểm tra, xác định nguyên nhân gây tôm chết ở Phú Yên là do thuốc bảo vệ thực vật”.
Trước tình hình này, Tổng cục Thủy sản có văn bản gởi sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ven biển về việc quản lý, chỉ đạo nuôi tôm nước lợ trong năm 2012. Qua kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy tại các ao nuôi tôm bị chết có hàm lượng của thuốc bảo vệ thực vật Cypermethrin, Deltamethrin. Các chất này có thể từ kênh rạch vào hồ nuôi hoặc có trong chất diệt tạp là một trong những nguyên nhân làm gan tụy tôm bị teo. Để khắc phục tình trạng trên, Tổng cục Thủy sản đề nghị sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố ven biển chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, đồng thời khuyến cáo người nuôi không vội thả giống. Hiện nay thời vụ thả nuôi tôm vẫn còn, vì vậy nên chờ mưa giao mùa để môi trường ổn định.
Cypermethrin và Deltamethrin là chất độc không tan trong nước, ở dạng huyền phù, không phân hủy bởi ánh sáng mặt trời, nhưng bị phân hủy ở môi trường kiềm pH≥9,5. Người nuôi cải tạo ao bằng cách bón vôi nâng pH≥9,5, bừa kỹ, ngâm 2-3 ngày để phân hủy Cypermethrin và Deltamethrin trong bùn đáy. Cơ sở nuôi phải dành một số ao trong vùng nuôi làm ao chứa lắng, lấy nước từ kênh vào ao lắng để 4-5 ngày, sau đó cấp nước tầng mặt vào ao nuôi qua túi lọc bằng vải dầy ngăn tạp.
ANH NGỌC