Đánh giá của Sở Công nghiệp Phú Yên cho thấy: Năm 2006 giá trị sản xuất của ngành dự ước tăng 20,6%. Tuy nhiên việc tăng trưởng này chưa thật sự bền vững có thể nói công nghiệp Phú Yên còn gặp nhiều khó khăn trong năm tới, khi mà Việt
TĂNG TRƯỞNG KHÁ
Phú Yên phấn đấu tăng 18-19% giá trị sản xuất công nghiệp trong năm 2007 - Ảnh: Kim Sa
Theo dự ước, giá trị sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp (GTSXCN- TTCN) của Phú Yên năm 2006 đạt 2.510 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2005. Mặc dù tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có gặp nhiều khó khăn nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) đã tích cực tìm nhiều biện pháp đẩy mạnh hoạt động SXKD, nhất là các DN thuộc ngành công nghiệp chế biến. Đây là ngành chiếm giữ tỷ trọng lớn trong nội bộ ngành công nghiệp (GTSXCN chiếm trên 92% trong kế hoạch của toàn ngành) với giá trị SXCN ước thực hiện 2.272,9 tỷ đồng, tăng 21,4% so với cùng kỳ. Riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 243,39 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ.
Các sản phẩm chủ lực có giá trị lớn ở một số lĩnh vực quan trọng của ngành công nghiệp chế biến đạt được mức tăng trưởng khá như bia các loại, nước giải khát, tinh bột sắn, sản phẩm may mặc, sản phẩm mộc xuất khẩu, trang in thành phẩm, dăm nguyên liệu giấy, gạch Tuynel, lắp ráp xe máy, ximăng, đá granit thành phẩm, thuốc chữa bệnh đã góp phần tăng năng lực và giá trị sản xuất của khu vực công nghiệp chế biến. Bên cạnh đó một số sản phẩm quan trọng như hải sản các loại, đường kết tinh công nghiệp, nhân hạt điều xuất khẩu lại giảm mạnh. Theo nhiều chủ doanh nghiệp, nguyên nhân là do nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định, thứ đến là thiếu vốn lưu động và tình hình tiêu thụ gặp khó khăn.
Năm 2006, có thêm 19 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp đưa vào hoạt động đã góp phần tăng giá trị SXCN cuả ngành. Từ các ngành này, một số sản phẩm công nghiệp mới đã ra đời như ô tô JRD và Nhà máy phân bón NPK đã cho ra đời những sản phẩm đầu tiên vào cuối năm 2006.
NHỮNG THÁCH THỨC ĐƯỢC BÁO TRƯỚC
Theo đánh giá của Sở Công nghiệp, tình hình sản xuất công nghiệp của Phú Yên tuy vẫn giữ được mức tăng trưởng cao nhưng vẫn gặp khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực chế biến các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Do một số DN chưa phát huy được 100% năng lực sản xuất, thiếu nguyên liệu, vốn. Bên cạnh đó nhiều dự án sản xuất công nghiệp đầu tư kéo dài do năng lực tài chính của doanh nghiệp không đủ mạnh nên chưa đạt tiến độ đề ra. Nhiều DN chưa chú ý đến việc xây dựng chiến lược SXKD cho đơn vị, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định gắn với DN. Những nguyên nhân đó ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp và làm cho sự phát triển của ngành chưa thật sự bền vững.
Theo kế hoạch phát triển sản xuất ngành công nghiệp năm 2007, ngành sẽ phấn đấu tăng GTSXCN từ 18- 19% và dự kiến tổng GTSXCN sẽ đạt 2.963 tỷ đồng. Ông Đào Tấn Cam- Giám đốc Sở Công nghiệp cho rằng để đạt được mục tiêu của năm 2007 trong điều kiện nước ta đã gia nhập WTO, ngành công nghiệp Phú Yên phải đối mặt với những thách thức to lớn đó là: Tuy cơ cấu kinh tế Phú Yên trong những năm qua chuyển dịch tương đối khá so với các tỉnh khác trong khu vực miền Trung nhưng tỷ trọng công nghiệp còn thấp, cơ sở vật chất kỹ thuật yếu kém, chất lượng các sản phẩm sau chế biến giá trị gia tăng không cao. Trong khi đó các doanh nghiệp trong tỉnh chưa nhận thức đầy đủ thời cơ, thách thức to lớn trong việc hội nhập kinh tế. Bên cạnh mở rộng thị trường vào các nước với mức thuế suất ưu đãi thì các doanh nghiệp phải đối đầu với sự cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn cùng lĩnh vực ngành nghề. Đồng thời các cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản do công nghệ còn lạc hậu, nguyên liệu đầu vào cho lĩnh vực này không ổn định nên có phần nào hạn chế. Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và từ trong dân cho đầu tư phát triển ngành công nghiệp không cao,…
Tuy nhiên, hiện ngành có 21 dự án đầu tư mới đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư để sớm đưa vào hoạt động trong năm tới. Ngành tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để phát huy hiệu quả của một số dự án quan trọng như dự án nâng công suất của Công ty cổ phần bia Sài Gòn- Phú Yên lên 23 tiệu lít/ năm vào quý 1/2007 và tiếp tục nâng công suất lên 50 triệu lít/năm vào đầu năm 2008; Công ty TNHH Tân Trinh sản xuất ván ghép có công suất 10.000 m3/năm; các nhà máy chế biến gỗ tại KCN Đông Bắc Sông Cầu… Trên cơ sở đánh giá khả năng cạnh tranh của từng sản phẩm công nghiệp, ngành sẽ xây dựng kế hoạch chuyển dịch cơ cầu sản phẩm, hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả SXKD và tăng cường khả năng cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước.
BÍCH HÀ