Theo kế hoạch, vụ hè thu năm nay toàn tỉnh đưa vào sản xuất 23.500ha. Ngành Nông nghiệp Phú Yên chỉ đạo các HTX và nông dân sử dụng giống ngắn ngày, kháng rầy nâu và đạo ôn, xuống giống đúng lịch thời vụ, lập phương án phòng chống hạn hán giữa vụ và bão lụt cuối vụ.
Nông dân huyện Phú Hòa làm đất để xuống giống lúa hè thu 2012 - Ảnh: H.NAM
CHỐNG HẠN, TRỪ RẦY
Vụ hè thu năm nay huyện Tuy An đưa vào sản xuất 2.219ha. Trà lúa đầu được xuống giống vào ngày 20/5. Ông Nguyễn Vũ Hành, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tuy An cho biết: “Vụ hè thu thường xảy ra khô hạn, do vậy cần điều tiết nước hợp lý để đảm bảo nước tưới trong suốt thời kỳ phát triển và sinh trưởng của cây lúa. Những diện tích không đủ nước tưới thì chuyển sang trồng cây màu. Đối với các xã không chủ động nguồn nước tưới, gieo sạ muộn hơn (28/5). Những nơi chủ động được nguồn nước thì sạ sớm hơn, song cần lưu ý thời gian lúa trổ sau tiết Lập thu”.
Chuẩn bị sản xuất vụ lúa hè thu, các HTX nông nghiệp đã vận động nông dân tập trung cày ải phơi đất. Việc cày ải sớm sẽ góp phần tiêu diệt mầm bệnh, ngăn chặn dịch bệnh, nhất là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá. Tại huyện Phú Hòa, nông dân thực hiện tốt khâu cày ải, vệ sinh đồng ruộng với diện tích khoảng 5.518ha. Ông Võ Văn Tiến, Phó chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nam Hòa An (Phú Hòa) cho hay: “Năm nào nông dân cũng làm đất, cày ải sớm trước khi gieo sạ để phòng trừ sâu bệnh. Khâu cày ải sẽ giúp diệt cỏ dại, ngăn chặn bệnh nghẹt cổ rễ khi lúa còn nhỏ”. Ông Nguyễn Siêng, Phó phòng NN-PTNT huyện Phú Hòa cho biết: “Chúng tôi giới thiệu các HTX nông nghiệp đưa vào sản xuất thử nghiệm 2 đến 3 vụ các giống lúa có năng suất, giá bán cao để bà con tham gia mô hình nhận thức tầm quan trọng của giống xác nhận thay lúa thịt”.
Đến nay, nông dân huyện Đông Hòa đã cày ải, đưa vào sản xuất 4.589ha lúa hè thu. Trưởng phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa Nguyễn Đình Hữu cho biết: Kinh nghiệm qua các năm cho thấy năng suất lúa tăng cao là nhờ nông dân thực hiện tốt lịch thời vụ, sử dụng cơ cấu giống lúa ngắn ngày phù hợp với điều kiện chân đất từng địa phương tránh hạn; gieo sạ đồng loạt theo từng vùng, thực hiện sạ hàng, sạ thưa hợp lý, bón phân theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng loại, đúng liều, đúng lúc, đúng cách).
Vụ hè thu thường xuất hiện rầy nâu, rầy lưng trắng. Căn cứ điều kiện thổ nhưỡng, dự báo tình hình rầy nâu di trú và điều kiện thủy lợi cụ thể của từng địa phương, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân xuống giống tập trung đồng loạt từng vùng, từng cánh đồng để tránh rầy, đồng thời sử dụng những giống lúa chất lượng cao, giống xác nhận để hạn chế sâu bệnh.
Nông dân huyện Đồng Xuân gieo sạ lúa - Ảnh: H.NAM
SỬ DỤNG GIỐNG NGẮN NGÀY SẠCH BỆNH
Theo Sở NN-PTNT, vụ hè thu năm 2012 các địa phương tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng có năng suất, chất lượng cao, cứng cây, kháng rầy với các giống chủ lực như ML202, ML 4-2, ML216, ML49. Sở NN-PTNT khuyến cáo không sử dụng các giống nhiễm rầy như: IR17494, OM2695-2, ĐV108, VĐ8, D98-17… Mặt khác, tùy theo điều kiện cụ thể, từng địa phương chọn cơ cấu một loại giống không quá 30% diện tích một vùng, không sử dụng các giống nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng.
Để sản xuất vụ hè thu mang lại hiệu quả kinh tế cao, UBND TP Tuy Hòa đã chỉ đạo các xã, phường vận động nhân dân, không sử dụng giống bị nhiễm bệnh đạo ôn, rầy nâu để gieo sạ; tuyên truyền cho nông dân tận dụng tối đa nguồn phân hữu cơ để bón ruộng kết hợp với việc sử dụng đạm, lân, kali thay cho các loại phân ngoại nhập như DAP, NPK để giảm chi phí sản xuất. Nông dân cần tập trung khử chua đồng ruộng trước khi gieo sạ để cải tạo và nâng cao độ phì cho đất.
Theo kế hoạch, trong vụ hè thu này, TP Tuy Hòa tập trung xuống giống trong vòng 20 ngày (từ 20/5 đến 10/6). Cơ cấu giống lúa chủ lực gồm: ML 4-2, ML 202, ML 216, ML 49, khuyến khích nông dân nên sử dụng các giống lúa lai TH3-3, Bio 404 và SYN 6… đã được khảo nghiệm phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương; đồng thời mở rộng diện tích lúa sạ hàng, sạ thưa hợp lý với lượng giống 100-120kg/ha.
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật Phú Yên, việc sử dụng giống nhiễm rầy nâu, đạo ôn không những là điểm bệnh phát sinh ban đầu mà còn là điều kiện cho bệnh lây lan dễ dàng thành dịch trên đồng ruộng. Đáng lưu ý là ruộng sạ dày làm độ ẩm trong ruộng tăng cao nên bệnh gây hại nặng hơn. Hiện nay bà con nông dân chưa chú trọng vào việc sạ hàng, sạ thưa mà chỉ hướng tới “lắm gié, nhiều bông”, trong khi đó ruộng sạ dày việc đầu tư phân bón cũng như sâu bệnh hại sẽ phát sinh nhiều dẫn đến chi phí cao.
Theo ông Biện Minh Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên: Trên cơ sở dự báo thời tiết vụ hè thu, các địa phương rà soát phân vùng theo tiểu vùng khí hậu, đất đai thủy lợi phục vụ cho sản xuất, xác định khung thời vụ lúa trổ sau tiết Lập thu. Nông dân nên sử dụng giống lúa ngắn ngày, cứng cây chống chịu với ngoại cảnh khá bất lợi: rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh khô vằn…, đồng thời lập phương án phòng chống hạn giữa vụ, bão lụt cuối vụ.
MẠNH HOÀI NAM