Triển khai từ cuối năm 2008, nhưng đến nay Dự án Chống xói lở bờ nam hạ lưu sông Đà Rằng vẫn còn nhiều vướng mắc chưa được xử lý, trong khi đó vốn bố trí cho công trình lại rất hạn chế.
Gói thầu số 7 của dự án phải tạm dừng thi công từ 2009 đến nay để tìm biện pháp xử lý kỹ thuật - Ảnh: T.HƯƠNG |
Gói thầu số 7 (xây lắp đoạn kè từ km1+100 đến km2+879,5) do liên danh nhà thầu Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng 1.5 và Công ty cổ phần xây dựng Thủy sản 2 thi công. Giữa năm 2009, nhà thầu đã hoàn thành từ đầu tuyến của gói thầu đến lý trình km2+684, sau đó tiếp tục bơm cát, tạo mặt bằng cho đoạn tiếp theo đến vị trí cọc 46 thuộc km2+779 thì xuất hiện hiện tượng khối đắp bị sụt lún mạnh, bùn từ phía dưới trồi lên, nhà thầu phải tạm dừng thi công, chờ xử lý kỹ thuật.
Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai Phú Yên cho biết, để giải quyết việc này chủ đầu tư đã phối hợp với các đơn vị tư vấn thiết kế tổ chức hai đợt khảo sát địa chất tại vị trí hố sình thuộc gói thầu số 7. Đợt khảo sát đầu đã thực hiện 3 hố khoan địa chất tại nền đất yếu, mỗi hố khoan sâu từ 22-28m và cách nhau 50m được bố trí dọc theo tuyến kè. Sau khi có kết quả khoan địa chất, Công ty Tư vấn và Chuyển giao công nghệ (thuộc Trường đại học Thủy lợi) đã đề xuất hai phương án, nhưng qua tính toán của các ngành liên quan thì hai phương án này vẫn chưa khả thi. Ngày 7/4/2011, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã cho phép thực hiện việc khảo sát bổ sung sâu vào bên trong bờ 50m với tổng số 6 hố khoan nhằm xác định rõ hơn phạm vi nền đất yếu. Phương án mà đơn vị tư vấn đề xuất, là thay thế một phần đất yếu bằng tầng đệm cát, tận dụng lại các cấu kiện nhà thầu đã sản xuất theo thiết kế trước đây. Hoặc hút một phần đất yếu, thay thế một phần đệm cát, có thể sử dụng phương án nối dài cọc…
Theo Ban Quản lý dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai Phú Yên, kết quả khoan địa chất cho thấy lớp đất bùn chỉ mỏng dần và kết thúc phía bờ, còn phía đầu, cuối đoạn tuyến và phía sông vẫn còn mở rộng, kéo dài chưa xác định được điểm dừng. Vì vậy, nếu thực hiện việc hút bùn thay bằng tầng đệm cát thì không xác định được khối lượng bùn cần hút và thời gian thực hiện công việc này. Trong khi đó phần kè đã thi công tiếp giáp đầu và cuối đoạn tuyến có nguy cơ sụp đổ. Ngoài ra, nếu hoàn thành công tác hút bùn thay cát cũng không xác định được thời gian ngừng lún do từ biến của tầng đệm cát thay thế để có thể thi công các kết cấu kè… Một phương án xử lý có thể tính đến đó là nối dài cọc đóng đến tầng chịu lực, tăng cường các tấm bê tông cốt thép phản áp trong và ngoài hàng cọc… Tuy nhiên sau khi kiểm tra tính toán, phương án này không đạt hệ số an toàn khi thực hiện.
Một nguyên nhân khác dẫn đến việc công trình chậm hoàn thành là nguồn vốn bố trí thực hiện dự án này rất hạn chế. Ông Ngô Thạch Phổ, Trưởng Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai Phú Yên cho biết: Trong năm 2010, dự án chỉ được phân bổ 2 tỉ đồng để chi trả cho khối lượng thi công trước đó; năm 2011, không được bố trí vốn và năm 2012 vẫn chưa được ghi vốn. Vì vậy hiện nay Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai Phú Yên không có kinh phí để thực hiện các công việc còn lại. Theo tính toán của chủ đầu tư, để hoàn thành các công việc còn lại của dự án cần khoảng 200 tỉ đồng.
Mới đây, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lê Văn Trúc đã giao Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh tính toán cụ thể và lập phương án thiết kế khắc phục đoạn kè qua nền đất yếu, chủ đầu tư phải phân tích rõ ưu, nhược điểm của từng phương án, đề xuất phương án tối ưu gửi các Sở KH-ĐT, NN-PTNT, Xây dựng, Giao thông vận tải, TN-MT để tham gia ý kiến nhằm lựa chọn phương án tối ưu nhất. Hiện nay, các hạng mục công trình còn lại thuộc Dự án Chống xói lở bờ nam hạ lưu sông Đà Rằng đều liên quan, gắn kết nhau nhưng có đến 3 chủ đầu tư quản lý. Để khắc phục những vướng mắc và chồng chéo trong quá trình triển khai, thống nhất với đề nghị của Ban Quản lý dự án Thủy lợi và phòng chống thiên tai tỉnh là nghiên cứu kết nối các hạng mục còn lại của dự án để tạo thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Dự án Chống xói lở bờ nam hạ lưu sông Đà Rằng có tổng mức đầu tư hơn 188 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án thủy lợi và phòng chống thiên tai Phú Yên làm chủ đầu tư (trước đây chủ đầu tư là Sở NN-PTNT). Sau khi hoàn thành công trình sẽ chống xói lở phía bờ nam sông Đà Rằng; bảo vệ tài sản, tính mạng của nhân dân và cơ sở hạ tầng khu đô thị mới bờ nam; giải quyết tốt vấn đề thoát lũ và ngập úng cho toàn bộ khu vực phía nam sông Đà Rằng…
TUYẾT HƯƠNG