Thứ Tư, 09/10/2024 05:23 SA
Giải quyết bài toán vốn cho doanh nghiệp:
Phải có sự “bật tường” từ nhiều phía
Thứ Bảy, 05/05/2012 07:30 SA

Trong thời điểm khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp ở Phú Yên rất cần được “bơm” thêm vốn để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều đơn vị vẫn không thể vay thêm vốn, trong khi đó các ngân hàng lại nói không thiếu vốn để doanh nghiệp vay. Nghịch lý này cần sớm giải quyết.

 

nh1204505.jpg
Khách hàng giao dịch tại một ngân hàng ở TP Tuy Hòa - Ảnh: M.ĐĂNG
 

DOANH NGHIỆP XUẤT KHẨU KÊU “ĐÓI” VỐN

Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của Phú Yên trong 4 tháng đầu năm ước đạt gần 38,8 triệu USD, giảm gần 29% so với cùng kỳ năm 2011. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thủy hải sản, nhân hạt điều, sản phẩm gỗ, quần áo may sẵn, kính pano xây dựng…

Hiện nay, tình trạng “đói” vốn sản xuất, kinh doanh là vấn đề khó khăn nhất mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt. Theo ông Nguyễn Hưng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng ở TX Sông Cầu, việc ngân hàng cho vay vốn với lãi suất cao trong một thời gian dài khiến sức “đề kháng” của doanh nghiệp yếu dần. Đến nay, dù Chính phủ có những chính sách hỗ trợ như giãn thuế, tái cơ cấu nợ, giảm lãi suất… nhưng nhiều doanh nghiệp đã “cạn” vốn, khó có cơ hội phục hồi sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, chi phí đầu vào như tiền thuê nhân công, giá mua nguyên, nhiên, vật liệu, phí vận tải… bị đẩy lên cao, đội giá thành sản phẩm, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đơn cử như việc Công ty TNHH chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng vừa chào hai đơn hàng cho doanh nghiệp nước ngoài nhưng sau khi so sánh giá, đối tác lắc đầu chê cao và quyết định ký hợp đồng đặt hàng với một doanh nghiệp ở Indonesia. “Các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cũng gặp khó khăn khi cạnh tranh với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vì họ được vay ngoại tệ với lãi suất thấp hơn vay VND nên có thêm nguồn vốn thu mua nguyên liệu phục vụ sản xuất. Hiện giá thành sản phẩm phải “cõng” thêm 4-5% lãi suất ngân hàng, nên chỉ cần chúng tôi đưa ra giá cao hơn một chút, đối tác sẽ từ chối”, ông Hòa nói.

Còn ông Lê Ngọc Thự, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp gỗ Trường Thành có nhà máy tại KCN Hòa Hiệp cho hay: Các đối tác nước ngoài luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm ngày càng cao với giá không thay đổi. Hiện thời gian thanh toán tiền mua hàng kéo dài gấp 3-4 lần so với những năm trước, làm cho dòng tiền lưu chuyển chậm, tốc độ xoay vòng vốn không đảm bảo tiến độ sản xuất. Trong thời điểm này, doanh nghiệp chỉ có thể ổn định hoạt động nhằm “chèo chống” qua giai đoạn khó khăn chứ chưa tính đến hiệu quả kinh doanh. Sắp tới, nếu ngân hàng không xem xét hỗ trợ giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn thời gian trả nợ thì các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh sẽ không đủ tiền mua nguyên liệu sản xuất.

Không chỉ đối mặt với tình trạng thiếu vốn, một số doanh nghiệp cũng đang “đau đầu” vì “khát” đơn hàng xuất khẩu. Theo ông Lê Hải Đăng, Phó giám đốc Công ty TNHH Bá Hải, khủng hoảng nợ công ở châu Âu, một số nền kinh tế lớn chậm phục hồi khiến thị trường xuất khẩu chính của các doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng. Từ đầu năm đến nay, phía đối tác nhập khẩu của Công ty TNHH Bá Hải giảm hơn một nửa số lượng đơn hàng. Nhiều khách hàng đã ký hợp đồng nhưng lại liên tục thay đổi lượng hàng giao. Một số đơn vị tạm ngưng nhập hàng dù công ty đã sản xuất sản phẩm theo đơn đặt hàng, làm tăng lượng hàng tồn kho.

NGÂN HÀNG NÓI KHÔNG THIẾU VỐN

Từ cuối năm 2011, nhiều doanh nghiệp của tỉnh hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản đã phải lao đao vì ngân hàng siết chặt tín dụng. Trong những năm qua, các doanh nghiệp này phần lớn “sống” được là nhờ vốn vay của ngân hàng. Mặc dù phải chịu lãi suất có thời điểm lên đến 23%, nhưng nhiều doanh nghiệp đã “lỡ phóng lao thì phải theo lao”. Bởi nếu không vay ngân hàng thì không có vốn để đầu tư vào công trình, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp không có việc làm, thiết bị xe máy trị giá hàng chục tỉ đồng phải “đắp chiếu”. Do vậy, các doanh nghiệp cố xoay sở để có thể tiếp cận được ngân hàng nhưng doanh nghiệp không thể vay đã xảy ra. Ông Đặng Hồng Lĩnh, Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank) chi nhánh Phú Yên cho biết: Chi nhánh có đủ vốn và tạo mọi thuận lợi để các doanh nghiệp được vay với điều kiện khách hàng phải có tài sản thế chấp, phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Thế nhưng gần đây, qua xem xét, thẩm định khả năng tài chính của một số doanh nghiệp, ngân hàng nhận thấy không đủ điều kiện để cho vay. Còn theo ông Trần Minh Mẫn, Giám đốc Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) chi nhánh Phú Yên thì ngân hàng cũng rất cần cho vay, nhất là lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa… Thế nhưng, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp nguy cơ thua lỗ, phá sản, việc thẩm định dự án để cho vay càng phải chặt chẽ hơn. Dù rất cố gắng giúp khách hàng vượt qua tình hình khó khăn nhưng không một ngân hàng nào dám “xé rào” cho vay vì khi xảy ra rủi ro, ngân hàng sẽ mất vốn.

Theo ông Nguyễn Ngọc Khố, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, trong điều kiện Chính phủ thực hiện điều hành chính sách vĩ mô chặt chẽ để kiểm soát lạm phát, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng các tổ chức tín dụng trong tỉnh đã cố gắng tối đa trong việc cho vay vốn nhằm giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế và xã hội của Phú Yên.

nguyen-hung120505.jpg

Sơ chế hàng thủy sản tại Công ty TNHH Chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng (TX Sông Cầu) - Ảnh: L.HẢO

TỰ TÌM HƯỚNG ĐI

Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, trong năm 2011, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã từ chối 357 hồ sơ xin vay vốn của các doanh nghiệp mà nguyên nhân là từ phía khách hàng. Trong năm qua, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng đã cho các doanh nghiệp vay gần 7.700 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 72,72% trong tổng dư nợ, giảm 47 tỉ đồng so với năm trước. Điều này chúng tỏ dư nợ cho vay của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp mặc dù có thấp hơn nhưng vẫn chiếm hơn hai phần ba tổng dư nợ của tỉnh.

Gần đây, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như miễn, giảm, gia hạn thuế cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; hạ lãi suất, cơ cấu lại nợ, gia hạn nợ; tập trung vốn cho vay các nhóm ngành ưu tiên… nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp. Trong khi chờ những “liều thuốc tăng lực” của nhà nước phát huy tác dụng, một số doanh nghiệp đang nỗ lực tìm hướng đi thích hợp để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo ông Lê Ngọc Thự, để tự cứu mình, trước tiên, doanh nghiệp phải sắp xếp lại quy trình sản xuất nhằm tiết kiệm chi phí tối đa, giảm giá thành sản phẩm. Doanh nghiệp chấp nhận giảm lợi nhuận, đảm bảo các chế độ cho công nhân để giữ chân người lao động. Khi kinh tế có dấu hiệu phục hồi, công ty mới tính đến việc vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Còn ông Lê Hải Đăng cho biết: “Trong giai đoạn khó khăn, chúng tôi tập trung sản xuất những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, nhanh thu hồi vốn. Doanh nghiệp đang tích cực tìm kiếm những thị trường mới, có tính thanh khoản tốt như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… để giải phóng hàng tồn kho, nâng cao hiệu quả kinh doanh của công ty. Chúng tôi mong muốn ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giảm tỉ lệ tài sản đảm bảo trên dư nợ vay, tăng hạn mức tín dụng để doanh nghiệp có thêm vốn, duy trì sản xuất”. Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến, xuất khẩu thủy sản Nguyễn Hưng cũng tiết lộ đơn vị này đang liên kết với các doanh nghiệp FDI trong cùng ngành và các doanh nghiệp lớn có tiềm năng xuất khẩu để cung cấp nguyên liệu, sơ chế hoặc gia công sản phẩm để giải quyết khó khăn trước mắt.

Theo ông Huỳnh Công Điềm, Phó giám đốc Sở Công thương Phú Yên, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong thời gian này cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Việc Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất huy động trong hai tháng liên tiếp để vốn cho vay của các tổ chức tín dụng có thể giảm hơn mới chỉ giải quyết được một phần. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng vay được vốn và đáng chú ý hơn là doanh nghiệp không có khả năng hấp thụ vốn do hoạt động sản xuất đình, giảm, hàng tồn kho tăng. Sở Công thương có kế hoạch phối hợp với các cấp, ngành tìm các giải pháp giúp doanh nghiệp đẩy mạnh công tác thị trường ngoài nước, xúc tiến thương mại, tận dụng các thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới...

LÀM GÌ ĐỂ GIÚP DOANH NGHIỆP?

Về những hạn chế trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng với doanh nghiệp, ông Nguyễn Ngọc Khố phân tích: Hiện số doanh nghiệp của tỉnh kinh doanh thua lỗ chiếm tỉ lệ gần 55% trong tổng số doanh nghiệp đang còn hoạt động, trong đó một số doanh nghiệp buộc phải phá sản hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh. Thêm vào đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và ít vốn, tình hình tài chính của những đơn vị này chưa thực sự minh bạch, hoạt động thiếu tính chiến lược lâu dài… Trong khi đó, sự kết nối giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển chưa được quan tâm đúng mức.

Để giúp các doanh nghiệp trong tỉnh vượt qua khó khăn, tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư năm 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần được sửa đổi, vì hiện nay theo xu thế phát triển kinh tế, xã hội thì một số điều của luật không còn phù hợp, hạn chế đến việc đầu tư và tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Chính phủ cũng cần sớm ban hành nghị định về hậu kiểm doanh nghiệp sau đăng ký kinh doanh nhằm tạo hành lang pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp trong việc thực thi pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ cần cấp bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước để những đơn vị này đủ vốn hoạt động, tự chủ mở rộng đầu tư và sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Chính phủ nên phân định rõ cơ quan quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để có sự thống nhất chung về vấn đề này, không nên giao cho Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước quản lý, vì đây cũng là một doanh nghiệp thì không thể quản lý vốn của nhà nước được. Bộ Tài chính có kế hoạch bố trí vốn để tạo điều kiện cho tỉnh trợ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Chính phủ; đồng thời hướng dẫn Ngân hàng Phát triển Việt Nam triển khai thực hiện quyết định “Ban hành quy chế bảo lãnh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại”. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần quy định các tổ chức tín dụng dành một tỉ lệ nhất định trong tổng dư nợ để cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm nông thôn mới.

LÊ HẢO - HOÀI TRUNG

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek