Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa có hiệu lực nhưng những thông tin liên quan đến hoạt động này đã tác động đến thị trường vàng miếng ở Phú Yên. Người dân ngại giao dịch vì không biết sắp tới cửa hàng nào còn được giao dịch vàng miếng, còn doanh nghiệp trong lĩnh vực mua bán vàng tìm hướng kinh doanh cho phù hợp.
Khách hàng chọn mua nữ trang tại một tiệm vàng ở phường 4, TP Tuy Hòa - Ảnh: L.HẢO
SỨC MUA GIẢM
Hơn một tháng nay, từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, doanh số mua bán vàng miếng ở thị trường Phú Yên giảm sút rõ rệt. Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ DNTN Kim Thạch Bích (TP Tuy Hòa) cho biết: “Mặc dù chưa chính thức đi vào cuộc sống, nhưng các thông tin liên quan đến nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã được phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng nên có ảnh hưởng nhất định đến thị trường. Sau khi nghị định được ban hành, doanh số bán vàng miếng đạt thấp, thị trường giao dịch trầm lắng”. Còn bà Ngô Kiều Linh, chủ tiệm vàng Kim Tài ở phường 4, TP Tuy Hòa cho hay: “Giá vàng “nhảy múa” lộn xộn cộng với thông tin Chính phủ “siết” hoạt động kinh doanh vàng miếng khiến mọi người e ngại khi bỏ tiền đầu tư vào lĩnh vực này nên sức mua giảm khoảng một nửa so với đầu năm”.
Thông tin về việc Chính phủ sẽ “siết” hoạt động kinh doanh vàng miếng khiến một số người dân e ngại khi giao dịch. Theo ông Phạm Văn Phương ở phường 4, TP Tuy Hòa, nhiều người khi biết được quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng thì có tiền cũng không dám mua vàng miếng vì không biết sau này việc lưu hành có dễ dàng hay không, nếu cần tiền gấp muốn bán vàng thì có thể bán ở nơi nào. Còn bà Võ Thị Minh Nguyệt ở xã An Chấn, huyện Tuy An thì lo ngại Nhà nước quy định chỉ được mua, bán vàng ở ngân hàng và doanh nghiệp có điều kiện, nhưng ngân hàng chỉ làm việc trong giờ hành chính. Những lúc họ đóng cửa mà gia đình cần bán vàng gấp để chi tiêu trong những trường hợp đột xuất thì phải làm sao?
Trong khi đó, một số người dân quyết định “nghỉ chơi” với vàng miếng, chuyển sang những kênh đầu tư khác hiệu quả hơn. Bà Ngô Thị Tuyết Huệ ở xã Hòa An, huyện Phú Hòa chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi thường chọn mua vàng miếng về tích trữ phòng khi nhà có việc. Thế nhưng gần đây, khi nghe tivi, báo đài nói nhiều về việc sắp tới chỉ được mua, bán vàng ở một số đầu mối do nhà nước quy định nhưng chưa rõ là chỗ nào thì gia đình chuyển tiền nhàn rỗi vào ngân hàng cho đảm bảo”. Còn anh Trần Trọng Minh ở phường 9, TP Tuy Hòa thì cho biết thời điểm này, bất động sản đang “đóng băng”, giá nhà và đất đều hạ nên anh sẽ bán vàng, dồn tiền đầu tư vào lĩnh vực này.
CHỜ THÔNG TƯ HƯỚNG DẪN
Khi Nghị định 24 chính thức có hiệu lực (ngày 25/5), người dân chỉ được mua bán vàng miếng ở một số doanh nghiệp và tổ chức tín dụng đủ điều kiện được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép kinh doanh. Để được cấp giấy phép kinh doanh vàng miếng theo quy định, các tiệm vàng nhỏ lẻ phải có vốn điều lệ từ 100 tỉ đồng trở lên, có kinh nghiệm trong hoạt động kinh doanh mua bán từ 2 năm trở lên, số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 triệu đồng/năm trở lên trong 2 năm liên tiếp gần nhất, có mạng lưới chi nhánh, điểm bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng phải có vốn điều lệ từ 3.000 tỉ đồng trở lên; có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng và có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên.
Theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ DNTN Kim Thạch Bích, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn để nghị định đi vào đời sống. Doanh nghiệp nếu xét thấy có thể đáp ứng đủ điều kiện thì làm thủ tục đăng ký, nếu không sẽ có định hướng kinh doanh phù hợp. Bà Oanh cho biết: “Hiện DNTN Kim Thạch Bích là đại lý của Công ty TNHH một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Ngoài ra, doanh nghiệp còn kinh doanh rất nhiều mặt hàng khác như vàng y, vàng tây, bạch kim, đá quý… Doanh thu từ vàng miếng rất lớn nhưng lợi nhuận mang lại không cao nên nếu không được mua bán vàng miếng theo quy định thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động của doanh nghiệp”. Chủ tiệm vàng Kim Tài, bà Ngô Kiều Linh cũng cho biết: Nếu thực hiện đúng theo quy định của nhà nước thì có lẽ ở Phú Yên không có doanh nghiệp nào đủ điều kiện để kinh doanh vàng miếng. Thêm vào đó, việc mua bán vàng miếng cần đầu tư vốn nhiều mà lời chẳng bao nhiêu (chỉ khoảng 20.000-100.000 đồng/lượng) nên sắp tới, có thể chúng tôi chỉ tập trung vào vàng nữ trang, vàng nhẫn…”
Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên, Nguyễn Ngọc Khố, Nghị định 24 sẽ là một “liệu pháp” tốt để xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do, góp phần chấn chỉnh những bất cập như đầu cơ, làm giá, lập lờ chất lượng… đã tồn tại trên thị trường vàng từ trước đến nay. Khi Ngân hàng Nhà nước có thông tư hướng dẫn thi hành nghị định, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Phú Yên sẽ tổ chức hội nghị, làm việc với các doanh nghiệp kinh doanh vàng trên địa bàn tỉnh về vấn đề này. Thời gian tới, khi Ngân hàng Nhà nước quy vàng miếng về một mối, lấy thương hiệu vàng Ngân hàng Nhà nước (SBV), chất lượng vàng sẽ được kiểm soát, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới cũng được thu hẹp, điều này hoàn toàn có lợi cho người dân khi giao dịch.
LÊ HẢO