Thứ Sáu, 11/10/2024 15:27 CH
Quản lý, bảo vệ rừng thiếu đồng bộ
Thứ Năm, 05/04/2012 14:00 CH

Nhiều năm qua, các cấp, các ngành đã có nhiều nỗ lực ngăn chặn tình trạng phá rừng làm rẫy, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp, trong khi ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp nào ngăn chặn triệt để.

 

rung120405.jpg

Lực lượng chức năng kiểm tra rừng bị cháy ở huyện Sông Hinh - Ảnh: N.CƯỜNG

RỪNG TIẾP TỤC BỊ TÀN PHÁ

 

Theo Chi cục Kiểm lâm Phú Yên, thời gian gần đây ở hầu hết các huyện miền núi nổi lên tình trạng phát rừng làm rẫy. Các vụ vi phạm đã xác minh được đối tượng phần lớn là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, sản xuất ven bìa rừng. Trong năm 2011 đã xảy ra gần 1.200 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, trong đó có 279 vụ phá rừng làm rẫy, tăng hơn 13% so với năm 2010, gây thiệt hại hơn 117ha rừng. Mới đây, tại xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh, nạn phá rừng làm rẫy lại tái phát và có nguy cơ trở thành điểm nóng. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2012 đến nay, tại địa bàn này đã xảy ra 30 vụ phá rừng làm rẫy, làm triệt tiêu gần 14ha rừng và hơn 30ha có nguy cơ bị xóa sổ nếu không được ngăn chặn kịp thời. Còn tại huyện Đồng Xuân, thời gian gần đây nổi lên tình trạng đào bới đất rừng tìm trầm ở xã Phú Mỡ và một số sai phạm của các doanh nghiệp trồng rừng kinh tế. Năm 2011, địa phương này đã phát hiện, xử lý 118 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Tuy số vụ vi phạm giảm so với năm 2010, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất rừng, xói lở đất do nạn đào bới đất tìm trầm đang có chiều hướng tái diễn...

 

Tình trạng vi phạm lâm luật đang diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, trong đó có không ít vụ phát rừng làm rẫy, mà nguyên nhân ban đầu là do “lâm tặc” gây ra. Ông N.V.T, người dân sinh sống ven bìa rừng ở huyện Sơn Hòa cho hay: “Quá trình khai thác gỗ của lâm tặc khá công phu. Trước tiên là tìm các cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi rồi làm dấu “xí phần”, sau đó tập kết nhân công, phương tiện, dụng cụ để khai thác, xẻ gỗ thành hộp rồi nhanh chóng vận chuyển ra ngoài rừng tẩu tán. Khi những cây gỗ lớn đã bị đốn ngã, người dân chỉ việc vào rừng phát dọn, đốt thực bì là có ngay một đám rẫy mà không phải tốn nhiều công sức.

 

KHÓ KHĂN TRONG QUẢN LÝ, BẢO VỆ

 

Rừng đặc dụng Krông Trai, huyện Sơn Hòa thuộc địa bàn các xã Ea Chà Rang, Suối Trai và Krông Pa. Đây là rừng có thảm thực vật, hệ sinh thái phong phú, đa dạng luôn nằm trong “tầm ngắm” của “lâm tặc” tại địa phương và các địa bàn lân cận. Từ năm 2002 đến 2009 có đến hơn 370 vụ phát rừng làm rẫy trái phép, thiệt hại trên 53ha rừng. Đó là chưa kể các vụ vi phạm chưa xác định được đương sự, làm thiệt hại hơn 56ha. Theo Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, số vụ chưa xác định được đương sự chiếm hơn 50%, nguyên nhân là do các đối tượng tổ chức canh coi, báo hiệu khi có lực lượng tuần tra, kiểm soát; diện tích rừng bị phá, các đối tượng không canh tác ngay mà đợi một thời gian sau mới quay lại phát dọn, đốt làm rẫy và nhiều đối tượng tổ chức phát rừng vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp biết phá rừng là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình vi phạm bằng cách khai phá diện tích nhỏ ở nhiều vùng khác nhau nên chỉ bị xử lý hành chính. Một số trường hợp lợi dụng tập quán canh tác, hay viện cớ hoàn cảnh kinh tế khó khăn dẫn đến vi phạm lâm luật… Có trường hợp chính quyền địa phương và nhân dân phát hiện nhưng không dám tố cáo vì sợ trả thù cá nhân.

 

Theo ông Trương Hiếu Hoàng, Trưởng ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, cần có mốc phân biệt ranh giới giữa đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp để tạo cơ sở pháp lý trong quản lý; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đơn vị chủ rừng, tạo thuận lợi cho việc xử lý các hành vi lấn chiếm, đồng thời kiên quyết thu hồi toàn bộ diện tích bị tác động và đưa ra xét xử các vụ vi phạm về hành vi phá rừng làm rẫy trái phép đã vượt khung xử lý hành chính, hoặc cố tình tái phạm khi còn trong thời hiệu xử phạt hành chính…

 

Để hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, nạn phá rừng làm rẫy, thì việc tăng cường công tác tuyên truyền, lồng ghép bản sắc văn hóa truyền thống với gìn giữ bảo vệ rừng là yếu tố vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, việc giao khoán quản lý bảo vệ rừng cần xem lại vì công tác này hiện còn nhiều bất cập như, nơi ở của người được giao trách nhiệm thường ở quá xa khu vực rừng được giao, thậm chí người ở địa phương này lại được giao khoán bảo vệ rừng ở địa phương khác, diện tích rừng được giao cho hộ gia đình quá lớn nên không thể kiểm soát chặt chẽ gây khó khăn, hạn chế trong quản lý, bảo vệ.

 

PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek