Nước là nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng quý giá, nhưng không phải là vô tận, ở đâu có nước ở đó có sự sống, có văn hóa và văn minh. Việt Nam nói chung và Phú Yên nói riêng đang đứng trước nguy cơ thiếu nước do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia tăng dân số và biến đổi khí hậu. Nhân Ngày Nước thế giới (22/3), Báo Phú Yên phỏng vấn ông Chế Bá Hùng, Phó giám đốc Sở TN-MT về vấn đề này.
Khảo sát nguồn nước ở đầu nguồn sông Kỳ Lộ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân - Ảnh: P.NAM
* Ông có thể cho biết về thực trạng nguồn nước ở Phú Yên hiện nay?
- Cùng với sự phát triển kinh tế của đất nước, bên cạnh những thành tựu đạt được, tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Đây là vấn đề đang được toàn xã hội quan tâm. Chính vì vậy mà Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản kêu gọi toàn thể cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường nói chung, nguồn nước nói riêng.
Những năm qua, cùng với các chương trình, dự án khác, Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã đầu tư xây dựng 40 công trình cấp nước tập trung. Trong đó, có bảy công trình nâng cấp, mở rộng, xử lý nguồn nước và 33 công trình xây dựng mới; 197 công trình cấp nước và vệ sinh trường học; 94 công trình cấp nước và vệ sinh trạm y tế và nhiều công trình cấp nước sinh hoạt đô thị, phục vụ công nghiệp… Do bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh, độ dốc địa hình lớn, các suối ngắn, hẹp nên nước chỉ tồn tại theo mùa và khu vực, do đó mùa khô thường thiếu nước. Mùa nắng nóng, các dòng sông thường hay cạn kiệt gây hạn hán, mùa mưa thừa nước dẫn đến lũ lụt, gây thiệt hại lớn đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Mặt khác, hiện nay những thay đổi trong việc sử dụng đất, tình trạng phá rừng và các phương pháp canh tác truyền thống, đặc biệt do nhu cầu khai thác nước tăng cao của các ngành theo lợi ích riêng, đã làm giảm khả năng dẫn nước và trữ nước; các hồ nước bị bồi lắng và khô cạn do thiếu nguồn nước, nhiều khúc sông, suối cạn kiệt cả nước mặt và nước dưới lòng đất; nhiều vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng ven biển… xảy ra tình trạng thiếu nước sạch cho sinh hoạt, trong khi đó nhu cầu sử dụng nước cho công nghiệp, nông nghiệp và sinh hoạt ngày càng tăng.
Phú Yên phấn đấu đến năm 2015, 90% dân số ở khu vực nông thôn được sử dụng nước sạch, trong đó trên 50% sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn. Trên 90% số hộ gia đình ở khu vực nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; trên 90% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; giảm thiểu ô nhiễm các làng nghề, đặc biệt là làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm…
* Vậy tỉnh có triển khai mô hình quản lý, sử dụng nguồn nước nào mang lại hiệu quả không, thưa ông!
- Nằm trong hợp phần truyền thông của Dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Việt Nam, Ban quản lý dự án tỉnh Phú Yên đã triển khai nhiều hoạt động mang tính kỹ thuật và các hoạt động truyền thông lớn với mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả các dịch vụ do nguồn nước mang lại, cũng như nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của tài nguyên nước trong các tầng lớp nhân dân. Tại huyện Đồng Xuân có sông Kỳ Lộ, con sông lớn thứ hai của tỉnh, nơi thường xuyên chịu nhiều thiệt hại nặng do bão lũ, nhất là trận lũ năm 2009 làm cho cuộc sống của người dân bị đảo lộn. Hiện nguồn nước mặt và nước ngầm có nguy cơ ô nhiễm và cạn kiệt, do vậy cần thiết phải đề ra các giải pháp cải thiện nguồn nước, sử dụng nước tiết kiệm và bảo vệ tài nguyên nước. Năm 2011, Ban quản lý Dự án Nâng cao năng lực đánh giá và quản lý tài nguyên nước Phú Yên chọn Đồng Xuân để xây dựng mô hình “Hương ước bảo vệ nguồn nước” và triển khai thí điểm tại hai thôn Tân An (xã Xuân Sơn Nam) và Tân Bình (xã Xuân Sơn Bắc).
Qua gần 2 năm triển khai mô hình, Ban quản lý đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nhân dân, nên bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực. Hiện nay, bản hương ước đang dần đi vào cuộc sống của người dân, ý thức cộng đồng cũng đã phần nào được cải thiện. Nhân dân không còn thói quen vứt rác thải, xác động vật chết xuống sông, suối, kênh mương, đường giao thông; nước thải sinh hoạt và chăn nuôi tại các hộ gia đình không còn thải trực tiếp ra đường gây ô nhiễm, mà xây dựng hố chứa phân, hầm chứa nước thải; các loại rác thải nguy hại như bao bì, chai lọ đựng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y được thu gom đào hố sâu chôn, cách xa khu dân cư, xa nguồn nước sinh hoạt.
Nhiều đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn sử dụng nước sông suối trong sinh hoạt - Ảnh: N.T
* Những khó khăn khi triển khai mô hình này là gì?
- Theo các điều khoản quy định, thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nào có hành vi vi phạm, tùy theo mức độ sẽ xử lý theo quy định của hương ước hoặc đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu vi phạm lần đầu, Ban giám sát sẽ đến tận nhà nhắc nhở, góp ý; vi phạm lần hai sẽ cảnh cáo trước cộng đồng dân cư; vi phạm lần ba thì lập biên bản đề nghị lên cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
Hiện nay, đại bộ phận nhân dân tham gia mô hình đã có chuyển biến rõ nét trong bảo vệ nguồn nước và vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số ít hộ chưa tự giác thực hiện hương ước đã đề ra, có những hành vi gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước. Ban quản lý dự án tỉnh sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng mô hình ra tất cả các thôn trong xã, được toàn thể bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng. Để mô hình đạt được hiệu quả, rất cần có sự tham gia nhiệt tình của cộng đồng dân cư, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội, các nhà máy, công ty, xí nghiệp trên địa bàn huyện… Việc tự giác nâng cao ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên nước, thể hiện bằng những hành động thiết thực, như tiết kiệm nước, chia sẽ quyền lợi sử dụng nước, giảm thiểu các hoạt động gây ô nhiễm nguồn nước và ô nhiễm môi trường. Qua mô hình này, sẽ phát huy tác dụng sâu rộng và lan tỏa trong toàn huyện, góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, hiện đại.
* Xin cám ơn ông!
PHƯƠNG NAM (thực hiện)