Thời gian gần đây, vẻ đẹp hoang sơ của Hòn Chùa (từ bãi biển Long Thủy nhìn sang) đã được nhiều người biết và đến đây tham quan. Mặc dù chưa được nhộn nhịp lắm, nhưng theo những người dân ở đây, một hai ngày là có khách đến thuê ghe ra Hòn Chùa chơi, những ngày lễ thì đông hơn.
Những bè nuôi tôm dày mặt nước phía trước Hòn Chùa - Ảnh: T.QUỚI
Dịp 8/3 vừa rồi, tôi và nhóm bạn quyết định ra Hòn Chùa để chiêm ngưỡng vẻ đẹp được nhiều người ca tụng. Đúng là hòn đảo hoang sơ, biển trời mênh mông rất thích hợp cho những người thích dã ngoại, khám phá thiên nhiên. Nhưng vẫn còn nhiều điều chưa “đẹp” do chính người địa phương tạo ra khiến khách đến đây không hài lòng.
Đây không phải là hoang đảo mà con người đã có mặt ở đây từ lâu. Sự có mặt một cách tự phát của người dân luôn tiềm ẩn nguy cơ xâm hại thiên nhiên vì sự khai thác vô tổ chức. Đúng vậy, cả một vùng mặt biển phía nam Hòn Chùa là những lồng tôm, ống thở chi chít nhô lên mặt nước. Trước đây, có một dạo khá lâu người dân địa phương dùng kính lặng, xà beng, búa tạ đào cả những rạn san hô ngầm để bán. Thế nên nói, đến Hòn Chùa để đắm mình trong thiên nhiên, hòa mình vào làn nước trong xanh như ngọc bích quả thật có hơi quá! Mặt biển dày đặc những lồng nuôi tôm, ốc hương, thức ăn, chất thải thì làm gì còn môi trường nước trong xanh lý tưởng! Thậm chí khi đến đây, nếu khách đã tắm ở đoạn bờ biển này thì không được xuống tắm ở đoạn bờ biển khác. Người nuôi thủy sản ở hai khu vực sẽ canh chừng và mời khách “không được tắm biển” vì sợ nhiễm khuẩn, lây bệnh cho đối tượng nuôi!
Chuyện người nuôi tôm, chiếm đảo che lều rồi lấy tiền du khách cũng là điều đáng nói. Bãi biển Hòn Chùa rất trơ trọi, trên đảo chỉ toàn cây bụi rậm rạp không có bóng mát. Chỉ có duy nhất cây bàng khá lớn thì một hộ nuôi tôm chiếm giữ che chòi canh và một tấm bạt để thu tiền khách tham quan ghé vào tránh nắng. Hôm nhóm chúng tôi đến thì chòi canh nói trên đã có nhóm khách khác ngồi chơi, nên chúng tôi phải dùng bạt của mình gá tạm một bên. Cô chủ chòi canh rất nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi đào hố chôn cọc để căng che tấm bạt, cho than củi để chúng tôi nướng thức ăn và cho mượn ba chiếc kính lặn. Chúng tôi cảm động trước sự nhiệt tình ấy, thầm nghĩ sẽ dồn vỏ lon bia và gửi một ít tiền bồi dưỡng trước khi rời đảo. Nhưng không đợi chúng tôi cảm ơn, khi thấy chúng tôi thu dọn lều bạt, cô chủ nhanh nhẩu đến “xin tiền”! Chúng tôi gửi 50.000 đồng thì lập tức bị phản ứng ngay. Cô rành rọt tính: 100.000 đồng tiền che lều tạm, 50.000 đồng tiền mượn kính lặn. Số tiền không lớn nhưng cách “xin tiền” ấy khiến khách khó chịu. Thay vào sự cảm động, giờ đây đã có lời qua tiếng lại không vui!
Chuyện thuê tàu (thật ra là ghe máy) ra đảo cũng khiến chuyến đi không vui trọn vẹn. Lúc lên ghe, anh chủ ghe bảo cho bao nhiêu tiền là tùy khách và thống nhất là 200.000 đồng. Nhưng đến chiều, con của ông chủ ghe lúc sáng “hét giá” lên gấp đôi. Lại có lời qua tiếng lại, cuối cùng phải giải quyết bằng cách khách chịu thiệt một chút, móc thêm hầu bao 100.000 đồng so với giá ban đầu.
Khu vực đảo Hòn Chùa đã được tỉnh quy hoạch trở thành khu du lịch nghỉ dưỡng. Từ đây đến khi dự án đầu tư xây dựng, thiết nghĩ ngành du lịch, chính quyền địa phương cần tuyên truyền để người dân trong vùng hiểu về việc bảo vệ tài nguyên, phát triển du lịch cộng đồng bằng sự nhiệt tình, thân thiện chứ không phải là “bắt chẹt” khách!
QUỲNH MAI