Thứ Ba, 08/10/2024 18:40 CH
Cho vay vốn tại làng nghề ở TX Sông Cầu:
Góp phần giải quyết việc làm cho lao động
Thứ Bảy, 10/03/2012 14:00 CH

Nhờ có vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (VBSP) chi nhánh Phú Yên, người dân một số làng nghề tại TX Sông Cầu có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.

 

ca-com-Hoa-An120310.jpg

Làng nghề chế biến cá cơm Hòa An, xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương - Ảnh: L.HẢO

CẦN VỐN ĐỂ MỞ RỘNG SẢN XUẤT

 

Trước khi được công nhận là làng nghề truyền thống chuyên chế biến cá cơm vào năm 2009, người dân thôn Hòa An (xã Xuân Hòa, TX Sông Cầu) chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, công việc không ổn định; nhiều thanh niên phải đi làm thuê ở các thành phố lớn. Năm 2010, Hội Nông dân xã Xuân Hòa phối hợp cùng Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (VBSP) TX Sông Cầu lập dự án cho làng nghề này vay. VBSP Sông Cầu đã giải ngân 500 triệu đồng từ nguồn vốn của chương trình cho vay giải quyết việc làm cho 25 hộ. Sau khi được vay vốn, nhiều gia đình đã đầu tư mua lò hấp, giàn phơi, mở rộng quy mô sản xuất, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương, giúp người dân tăng thu nhập.

 

Ông Dương Văn Tới, một chủ hộ làm nghề chế biến cá cơm ở thôn Hòa An cho biết: “Trước đây, cơ sở sản xuất của gia đình chỉ rộng khoảng 120m2, không đủ diện tích đặt giàn phơi, làm hồ chứa, lò hấp… Từ ngày vay được 20 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội, chúng tôi đã mạnh dạn đầu tư làm nghề, chuyển cơ sở đến vị trí mới rộng gần 1ha, mua thêm giàn sấy, xây lò hấp, hồ chứa…”. Hiện nay cơ sở của gia đình ông Tới thu mua, hấp và xuất bán trung bình 1 tấn cá cơm mỗi ngày; giải quyết việc làm cho hơn 30 lao động địa phương, trong đó đa phần là nữ. Chị Lê Thị Kim Liên, một lao động chuyên phơi sấy cá cơm chia sẻ: “Nhờ có các cơ sở chế biến cá cơm mà người dân làng biển Hòa An có được việc làm ổn định. Tùy theo thời tiết, mùa cá mà mỗi ngày chúng tôi kiếm được từ 50.000 đến 400.000 đồng/người”.

 

Thôn Hòa An hiện có khoảng gần 150 hộ làm nghề phơi sấy cá cơm, cung cấp cho thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu. Nhu cầu của thị trường ngày càng tăng nên việc cần vốn để đầu tư mở rộng sản xuất càng cấp thiết. Thế nhưng, mức vay tối đa 20 triệu đồng/hộ vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Bà Lê Thị Nhân, một chủ cơ sở sản xuất cá cơm được vay vốn cho hay: Chúng tôi vay để có thêm vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi chứ thực chất số tiền vay 20 triệu/hộ là không đủ. Còn ông Dương Văn Tới thì bộc bạch: Cơ sở đang cần vay thêm vốn xây kho lạnh trữ cá cơm để chủ động hơn trong quá trình sản xuất, không phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Vì chưa có kho lạnh nên chúng tôi phải gửi cá vào tận trung tâm TX Sông Cầu hoặc huyện Tuy An, tốn thời gian và chi phí vận chuyển; nhiều khi phải bán vội, bị tư thương ép giá.

 

TIẾP TỤC KHẢO SÁT CHO VAY

 

VBSP Sông Cầu cho vay vốn đối với bốn dự án làng nghề gồm chế biến nước mắm Gành Đỏ ở phường Xuân Đài, sản xuất muối Tuyết Diêm ở xã Xuân Bình, đan bóng Mò O ở xã Xuân Cảnh và hấp cá cơm Hòa An ở xã Xuân Hòa với dư nợ gần 1,8 tỉ đồng, chiếm gần 23% tổng dư nợ chương trình cho vay giải quyết việc làm của phòng giao dịch này. Ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó giám đốc VBSP Sông Cầu cho biết: Chương trình cho các làng nghề vay nhằm tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Cho vay theo các dự án làng nghề còn có ưu điểm là người dân sản xuất tập trung, phối hợp liên kết, chia sẻ kinh nghiệm với nhau, có nguồn tiêu thụ sản phẩm ổn định nên dễ quản lý vốn vay. Các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn là người trực tiếp hướng dẫn người dân làm thủ tục vay, tuyên truyền chính sách ưu đãi của ngân hàng; đồng thời tổ chức các buổi họp định kỳ để người dân chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau phát triển sản xuất.

 

Hiện nay dự án làng nghề chế biến nước mắm Gành Đỏ ở phường Xuân Đài đã đến hạn thu hồi nợ. Theo Phó giám đốc VBSP Sông Cầu Nguyễn Ngọc, khi chương trình đến hạn, ngân hàng sẽ tiến hành thu hồi nợ; đồng thời phối hợp với địa phương rà soát lại các hộ vay. Hộ nào có điều kiện kinh tế ổn định, có thể tự bỏ vốn đầu tư sản xuất thì chuyển nguồn cho hộ khác vay. Những hộ còn khó khăn sẽ được gia hạn nợ một năm; nếu cần thêm vốn để có thời gian sản xuất, kinh doanh thì ngân hàng sẽ lập dự án cho vay lại hoặc chuyển sang cho vay theo hộ gia đình bình thường. Đa phần người dân đều trả được nợ, tỉ lệ thu hồi nợ lên đến 75%.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hưng cho biết thêm: VBSP Sông Cầu đang tiếp tục xem xét tính khả thi như sản phẩm làng nghề có phù hợp với đặc điểm của địa phương, nhu cầu thị trường, thu hút được nhiều lao động và có hiệu quả… để lập dự án cho vay. Ngân hàng sẽ hướng dẫn thủ tục đăng ký cơ sở sản xuất kinh doanh cho những hộ đủ điều kiện. Theo đó, những cơ sở này sẽ được vay tối đa 500 triệu đồng sau khi thế chấp tài sản.

 

LÊ HẢO

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek