Hiện nay, trên thị trường xuất hiện nhiều loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ với giá bán dao động từ 20.000-50.000 đồng. Do ham rẻ, nhiều người mua về dùng thử và không ít người đã phải chịu hậu quả đáng tiếc…
Một bệnh nhân đến điều trị bệnh dị ứng da do liên quan đến mỹ phẩm tại Trung tâm Da liễu Phú Yên - Ảnh: H.XUÂN
TIỀN MẤT TẬT MANG
Thị trường mỹ phẩm ở Phú Yên hiện khá phong phú, đa dạng với đủ các mức giá khác nhau từ vài chục nghìn đồng tới cả triệu đồng một bộ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có khả năng mua một bộ mỹ phẩm chuyên chăm sóc da của các hãng nổi tiếng với số tiền từ vài trăm nghìn đến trên một triệu đồng. Hiện trên thị trường xuất hiện nhiều loại mỹ phẩm giá rẻ, chủ yếu là kem trộn bôi da có giá từ 20.000-50.000 đồng/hộp ghi nhãn mác bằng tiếng Lào, Campuchia, Trung Quốc,… không rõ địa chỉ sản xuất, thậm chí có loại không có cả giấy hướng dẫn sử dụng kèm theo trong khi chất lượng lại chưa được kiểm nghiệm.
Không ít người tiêu dùng đã “rước họa vào thân” vì mua phải mỹ phẩm kém chất lượng. Bác sĩ Lê Văn Thuận, Giám đốc Trung tâm Da liễu (Sở Y tế Phú Yên) cho biết: “Mỗi ngày trung tâm tiếp nhận rất nhiều trường hợp bị viêm da do kích thích đến khám, điều trị. Trong đó, có không ít người bị viêm nhiễm do sử dụng mỹ phẩm trôi nổi”. Tại trung tâm này, chúng tôi gặp chị N.T.V, 19 tuổi ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân đến điều trị dị ứng da do mỹ phẩm. Chị V cho biết: “Sau nhiều đêm thức trắng để học bài, da mặt tôi nổi đầy mụn. Tôi đã mua một lọ kem trị mụn với giá 30.000 đồng về dùng thử. Sau một thời gian, mụn cám biến mất nhưng thay vào đó mụn bọc lại xuất hiện dày đặc trên gương mặt”.
Một trường hợp khác là chị L.T.N, 32 tuổi ở xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa đến Trung tâm Da liễu tỉnh điều trị bệnh sưng, nám vùng mặt do sử dụng kem lột kém chất lượng. Chị N mua kem lột da mặt “hai trong một” giúp da trắng sáng và mềm mại từ một tiệm tạp hóa gần nhà với giá chỉ 25.000 đồng. Trong vài ngày đầu, da chị trở nên tươi sáng hơn trước rất nhiều nhưng chỉ một tuần sau, hai bên má trở nên bỏng rát, nổi nhiều mụn nước nhỏ li ti. Chị ngừng bôi kem nhưng đã muộn bởi vài lần ra nắng da mặt chị đã chuyển sang nám đen. Chị liền tìm đến các tiệm Spa để điều trị nhưng không hết. Được người quen mách nước, chị tìm đến trung tâm với hy vọng da được trở lại như xưa.
RẤT KHÓ NGĂN CHẶN
Theo Dược sĩ Phạm Ngọc Chương, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế Phú Yên), mỹ phẩm trôi nổi thường không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người tiêu dùng. Thời gian qua, Sở Y tế đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, kiểm soát nhiều loại mỹ phẩm khác nhau. Tuy nhiên rất khó ngăn chặn mỹ phẩm “ngoài luồng” bởi hầu hết được nhập lậu với số lượng lớn từ biên giới phía Bắc và Tây Nam. Các sản phẩm này không chỉ rẻ, bắt mắt mà còn tạo ra “tác dụng tức thời”, đánh trúng tâm lý người tiêu dùng nên rất được ưa chuộng. Trong khi đó mỹ phẩm là một loại hàng hóa kinh doanh không có điều kiện, việc cấp phép lưu hành tương đối dễ dàng trong khi công tác ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vốn quen mua mỹ phẩm theo kiểu truyền miệng, mua mỹ phẩm tại các cửa hàng nhỏ lẻ, các chợ, hiệu thuốc tây mà ít khi tìm đến các cửa hàng chính hãng. Do đó, để đảm bảo an toàn trong việc sử dụng mỹ phẩm, khách hàng nên chọn mua sản phẩm tại cửa hàng tương đối chuyên biệt, sản phẩm phải có xuất xứ rõ ràng, có tem độc quyền, có đội ngũ nhân viên tư vấn. Đặc biệt không mua theo kiểu truyền miệng bởi thực tế cho thấy có loại mỹ phẩm phù hợp với người này nhưng lại không thích hợp với người kia.
Bác sĩ Lê Văn Thuận, cho biết: “Thời gian qua, trung tâm đã tuyên truyền cảnh báo tác hại mỹ phẩm trôi nổi đối với người tiêu dùng thông qua báo, đài, các buổi hội nghị, hội thảo. Sắp đến, bên cạnh việc tăng cường công tác tư vấn, điều trị, trung tâm sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm trang bị thêm kiến thức về hóa mỹ phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên để tránh “tiền mất tật mang”, trước khi sử dụng, khách hàng phải thử nghiệm độ dị ứng của mỹ phẩm bằng cách bôi một ít lên mặt trong cánh tay trong thời gian từ 18-24h. Nếu mỹ phẩm gây ra tình trạng kích ứng, tuyệt đối không được sử dụng”.
XUÂN HUY