Thứ Năm, 28/11/2024 09:56 SA
Sức sống mới ở Xuân Quang 1
Thứ Bảy, 03/03/2012 11:00 SA

Xuân Quang 1 là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Xuân, có năm thôn, dân số hơn 5.000 người. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chương trình mục tiêu và dự án phát triển kết cấu hạ tầng được triển khai, vì vậy đời sống người dân được nâng cao.

 

XQ120303.jpg

Nông dân xã Xuân Quang 1 chăm sóc cây sắn - Ảnh: P.NAM

Trước năm 2011, nhiều gia đình ở các xã Xuân Quang 1 đeo đuổi tìm trầm để mong đổi đời, khiến kinh tế lâm vào cảnh túng quẫn. Nay họ đã thấy được hậu quả, chú tâm lao động, phục hồi sản xuất. Chị Trương Thị Phương Yến, ở thôn Kỳ Lộ cho biết, sau thời gian bỏ trống chuồng trại do đi tìm trầm, tiền của tích góp đội nón ra đi… Bây giờ, tôi đã mua được hai con heo trị giá hơn ba triệu đồng để gây dựng lại, hy vọng heo chóng lớn, góp phần cải thiện cuộc sống gia đình. Còn chồng tôi đi làm thuê cho một xưởng gỗ gần nhà có thu nhập để ổn định cuộc sống. Tương tự, gia đình anh Trần Quang Minh cũng ở thôn Kỳ Lộ, sau khi đi tìm trầm thua lỗ, bỏ ruộng, nay cũng đã khôi phục được xưởng gia công gỗ, sửa chữa máy cày tái sản xuất trên diện tích đất sản xuất của gia đình. Theo anh Minh, thu nhập từ việc cày thuê không dưới 40 triệu đồng/vụ; xẻ gia công gỗ cũng được hơn 10 triệu đồng/năm, đó là chưa nói đến khoản thu nhập từ sản xuất rẫy.

 

Ông Nguyễn Duy Luân, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 cho biết, năm 2011, vào lúc cao điểm có từ 50-60% số hộ đi tìm trầm, chủ yếu là ở các thôn Kỳ Lộ, Đồng Hậu và Suối Cối 1. Vì vậy, nhiều hộ lâm vào cảnh khó khăn. Nhờ được các ngành, hội, đoàn thể tuyên truyền, vận động, bà con đã hiểu và nhận thức được tác hại của việc bỏ sản xuất để đi tìm trầm.

 

Về xã Xuân Quang 1 trong những ngày này, trên các cánh đồng, nông dân hối hả thu hoạch sắn, mía và đậu đỏ. Dọc trên trục đường chính qua địa bàn xã, từng đoàn xe tải tấp nập nối đuôi nhau vận chuyển nông sản về nhà máy. Trên các tuyến đường bê tông liên thôn, nhà ngói tường xây mọc san sát, phía sau là những cánh đồng lúa, mía và sắn mì xanh ngút ngàn. Tuy là địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhưng kết cấu hạ tầng như điện, đường, trường, trạm ở xã Xuân Quang 1 được đầu tư xây dựng khá hoàn chỉnh. Diện mạo nông thôn của xã đã có nhiều khởi sắc. Để có được kết quả này, Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng xây dựng các công trình công cộng phục vụ sản xuất, nâng cao dân trí như trường học, thủy lợi, mạng lưới giao thông, nước sạch, hỗ trợ nhà ở, giải quyết đất sản xuất cho hộ nghèo… Ông Đặng Chí Hậu, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 1 phấn khởi cho biết, trong năm 2011, xã đã sử dụng nguồn vốn phát triển sự nghiệp để duy tu bảo dưỡng 15km đường giao thông nông thôn và các tuyến nội đồng với tổng kinh phí gần 170 triệu đồng, kiên cố hóa kênh mương chính và đập dâng Suối Cối 2 để đảm bảo đủ nước tưới cho cây lúa và khoảng 20ha hoa màu, với kinh phí hơn 650 triệu đồng. Ngoài ra, từ nguồn vốn của chương trình 134, 135, nhiều hộ dân của xã di dời đến khu tái định cư ổn định cuộc sống; tạo điều kiện cho sáu hộ có hoàn cảnh khó khăn được vay 220 triệu đồng để phát triển chăn nuôi, sản xuất. Để phát triển theo hướng bền vững, địa phương đang tiến hành xây dựng kế hoạch tổng thể theo chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015, đáp ứng các tiêu chí ban đầu, làm nền tảng để định hướng phát triển kinh tế, xã hội lâu dài.

 

Hiện nay, đời sống đại đa số nhân dân xã Xuân Quang 1 có nhiều chuyển biến cả về vật chất lẫn tinh thần. Phấn khởi hơn là nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số, sau khi được Nhà nước quan tâm, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, được các ngành chức năng chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cộng với chí thú làm ăn, đã thoát nghèo, có cuộc sống ổn định, nhiều hộ có kinh tế khá giả, như hộ La O Thị Lan, La O Hiếu, La Lan Cường… với mức thu nhập bình quân hàng chục triệu đồng/năm.

 

Theo Chủ tịch UBND xã Đặng Chí Hậu, năm 2012, Đảng bộ, chính quyền xã Xuân Quang 1 đề ra mục tiêu, tích cực huy động mọi nguồn lực, thu hút đầu tư, tập trung nâng cao đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phấn đấu giảm 3% hộ nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đưa xã phát triển toàn diện, rút ngắn khoảng cách so với các địa phương gần trung tâm huyện.

 

HỒNG HOA - PHƯƠNG NAM

BÌNH LUẬN
Mã xác nhận:



Nhập mã:

LIÊN KẾT
Báo Phú Yên Online - Địa chỉ: https://baophuyen.vn
Cơ quan chủ quản: Tỉnh ủy Phú Yên - Giấy phép hoạt động báo chí số 681/GP-BTTT do Bộ TT-TT cấp ngày 21/10/2021
Tổng biên tập: Nguyễn Khánh Minh
Tòa soạn: 62 Lê Duẩn, phường 7, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Điện thoại: (0257) 3841519 - (0257) 3842488 , Fax: 0257.3841275 - Email: toasoandientu@baophuyen.vn
Trang chủ | Toà soạn | Quảng cáo | Đặt báo | Liên hệ
Bản quyền 2005 thuộc Báo Phú Yên Online
Thiết kế bởi nTek