Con đường cấp phối dài hơn 1km ven biển ở xóm Rớ (khu phố 6, phường Phú Đông, TP Tuy Hòa) đã bị triều cường xâm thực phá hỏng. Trạm điện, nhà tời ven biển (nhà để kéo tàu) của Nhà máy đóng tàu thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp nông thủy sản (CNNTS) Phú Yên cũng đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Hơn 1km đường ngư sinh ven biển bị xé nát gần như hoàn toàn - Ảnh: P.NAM
Những ngày qua, triều cường liên tiếp đã phá hủy gần như toàn bộ con đường dài hơn 1km dọc bờ biển từ khu dân cư xóm Rớ đến khu sửa chữa tàu thuyền. Hiện tại nước biển đã xâm thực vào đất liền hơn 30m, phá hỏng hơn 400m đường dân sinh, đoạn còn lại, nhiều nơi bị khoét sâu theo kiểu hầm ếch, mặt đường chỉ còn lại hơn 1m. Ông Trần Thái, có nhà gần bên mép biển ở xóm Rớ cho biết, những năm gần đây, cứ mỗi lần biển động lại xuất hiện triều cường uy hiếp tính mạng, nhà cửa và tài sản. Có nơi, triều cường ăn sâu vào đất liền gần 10m, nguy cơ “xóa sổ” nhà cửa của hơn 10 hộ dân. Người dân trông chờ Nhà nước hỗ trợ, di dời đến nơi an toàn.
Chiều 22/2, sóng lớn tiếp tục uy hiếp trạm biến áp và hai nhà tời dùng để kéo tàu thuyền của Nhà máy đóng tàu thuộc Công ty cổ phần CNNTS Phú Yên. Các khu nhà trên đã bị sóng biển khoét sâu, móng và một góc chân tường đã bị cuốn trôi nghiêng ngả, có nguy cơ sụp đổ. Công nhân nhà máy đã kịp di dời máy biến áp và hệ thống điện đến nơi an toàn. Trong khi đó, hàng rào bê tông chắn sóng của nhà máy cũng bị sóng biển phá hỏng, nhiều đoạn bị gãy đổ mất khả năng chống chọi với sóng biển. Anh Trần Văn Lanh, nhân viên bảo vệ Nhà máy đóng tàu cho biết thêm, 3 ngày qua, từng cơn sóng lớn bổ vào bờ mang theo đủ loại rác thải đổ lên phần đất của nhà máy. Đường ống thoát nước có đường kính hơn 20cm của nhà máy cũng bị sóng biển bẻ gãy. Với tốc độ xâm thực quá nhanh như hiện nay, không bao lâu nữa phần đất của công ty sẽ phải “nhường” lại cho biển cả. Ông Dương Sơn Hoan, Phó giám đốc Công ty cổ phần CNNTS Phú Yên cho biết thêm, từ cuối tháng 11/2011 đến nay đã xảy ra hai đợt triều cường với những cột sóng cao từ 3-5m, kèm theo gió giật mạnh đã cuốn trôi hơn 20.000m3 đất cát, đánh sập 300m tường rào, trực tiếp uy hiếp nhà làm việc, các khu nhà ăn, vệ sinh và hào công nghệ… ước thiệt hại hơn 2 tỉ đồng. Từ đầu năm 2012 đến nay, triều cường đã xâm thực sâu vào phần đất của công ty hơn 120m. Vì nhà máy đóng tàu nằm ở bãi ngang nên chỉ còn cách làm kè đê chắn sóng để chống đỡ, nhưng kinh phí quá lớn, khó có thể thực hiện, cần phải có sự hỗ trợ của chính quyền.
Trong khi đó, con đường dân sinh gần như bị “xóa sổ” nên việc đi lại, vận chuyển ngư cụ, hải sản của ngư dân phường Phú Đông gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi có áp thấp, triều cường xuất hiện. Hiện tại, để đến được khu vực sửa chữa tàu thuyền, người dân phải đi nhờ qua phần đất Nhà máy đóng tàu của Công ty cổ phần CNNTS Phú Yên. Anh Nguyễn Văn An, trú ở phường Phú Đông, TP Tuy Hòa than phiền: “Đường hỏng không thể đi mô tô nên chúng tôi phải lội bộ cả cây số để đến khu sửa chữa tàu thuyền. Mấy ngày nay, toàn bộ hoạt động sửa chữa tàu thuyền bị ngưng trệ vì Công ty cổ phần CNNTS Phú Yên không cho phép dùng phương tiện vận chuyển vật liệu đi qua phần đất của nhà máy đóng tàu. Nếu không vận chuyển được máy móc, vật liệu đến khu sửa chữa tàu thuyền, thì không biết lấy gì để đóng, sửa chữa tàu cho ngư dân tiếp tục ra khơi.
Trả lời Báo Phú Yên, Chủ tịch UBND phường Phú Đông (TP Tuy Hòa) Huỳnh Lưu cho biết, trong năm 2011, UBND tỉnh đã chỉ đạo chính quyền các cấp phối hợp với các sở, ngành liên quan khảo sát, lập phương án di dời hơn 100 hộ dân xóm Rớ do thường xuyên bị triều cường, sóng lớn uy hiếp, nhưng đến nay vẫn chưa được hoàn tất. Việc ảnh hưởng triều cường trong những ngày gần đây, UBND phường đã làm việc với Công ty cổ phần CNNTS Phú Yên, tạm thời cho ngư dân đi bộ qua lại trên phần đất của công ty này. Phường đang tiếp tục đề nghị cho triển khai làm đường tạm trên phần đất của công ty, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc vận chuyển hải sản, ngư cụ, vật liệu sửa chữa, đóng tàu thuyền nhưng chưa được chấp thuận. Theo ông Lưu, phía Công ty cổ phần CNNTS Phú Yên mới chỉ ghi nhận lời đề nghị của chính quyền địa phương, chờ xin ý kiến cho phép của cơ quan chủ quản. Nếu được, sẽ thông báo trong thời gian sớm nhất, tạo điều kiện cho ngư dân đi lại.
PHƯƠNG NAM-HOÀI NAM